BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 16/6/2020
Lo lắng về làn sóng lây nhiễm thứ 2 trên thế giới khiến hầu hết các mặt hàng trong phiên đầu tuần 15/6 đều giảm từ vàng, đồng, cao su, cà phê trong khi dầu tăng hơn 2% do dấu hiệu nhu cầu đang phục hồi đồng thời các thành viên OPEC+ tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến tích cực khi Fed công bố các biện pháp hỗ trợ thị trường trong bối cảnh đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa cao hơn 157,62 điểm, tương đương 0,6%, đóng cửa ở mức 25.763,16 điểm. S&P 500 tăng 0,8%, kết thúc ngày ở mức 3.066,59 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 9.726,02 điểm.
Dầu tăng do lạc quan về hiệp ước sản lượng của OPEC+
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên đêm qua do dấu hiệu nhu cầu đang phục hồi trong khi các thành viên OPEC+ tuân thủ theo thỏa thuận giảm sản lượng lấn át nỗi lo lắng rằng làn sóng nhiễm virus corona mới có thể làm chậm kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên 15/6, dầu thô WTI tăng 86 US cent hay 2,4% lên 37,12 USD/thùng. Dầu thô Brent tăng 99 US cent hay 2,6% lên 39,72 USD/thùng. Giá dầu phục hồi đảo chiều giảm trước đó sau khi Bộ trưởng Năng lượng UAE bày tỏ sự tin tưởng rằng các nước OPEC+ tuân thủ kém với hiệp ước sản lượng đã đồng ý đáp ứng cam kết của họ và báo cáo dấu hiệu nhu cầu dầu phục hồi.
Hội đồng giám sát của OPEC sẽ nhóm họp trong ngày 18/6 để bàn luận về việc cắt giảm sản lượng và xem các quốc gia đã phân bổ phần sản lượng giảm của mình không.
Iraq đã đồng ý với các công ty dầu chủ chốt của họ cắt giảm thêm sản lượng dầu trong tháng 6. Saudi Arabia cũng giảm khối lượng dầu thô xuất trong tháng 7 họ sẽ cung cấp cho ít nhất 5 khách hàng Châu Á.
Cũng hỗ trợ giá là tin tức, tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 8,2% so với một năm trước do các nhà máy độc lập tăng cường xử lý để đáp ứng sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu sau khi việc phong tỏa nới lỏng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu từ 7 khu vực đá phiến lớn của Mỹ dự kiến giảm trong tháng 7 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.
Tuy nhiên, tâm lý nặng nề trên thị trường với hơn 25.000 ca nhiễm mới được công bố riêng trong ngày thứ bảy tại Mỹ, nơi hơn 2 triệu người đã bị nhiễm, chiếm khoảng 1/4 số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Số liệu kinh tế từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang vật lộn để trở lại đúng hướng. Sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2020 tăng 4,4% so với một năm trước, thấp hơn dự kiến.
Vàng giảm
Giá vàng giảm do đồng USD gần mức cao nhất trong hơn một tuần, nhưng kim loại này vẫn đứng ở hơn 1.700 USD/ounce bởi lo lắng về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.726,61 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.727,20 USD/ounce.
Fed đã duy trì lãi suất qua đêm trong mục tiêu từ 0 tới 0,25% trong tuần trước. So với rổ tiền tệ, USD giảm nhưng vẫn gần mức cao nhất trong hơn một tuần đã đạt được trong phiên trước đó.
Nhà phân tích của ngân hàng Saxo cho biết vàng cũng phải đối mặt với áp lực giảm phát trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật có ngưỡng kháng cự quanh 1.740 USD, nhưng lo sợ về virus đã gây áp lực lên Phố Wall, giữ giá vàng trên mức tâm lý quan trọng 1.700 USD/ounce, các nhà phân tích nói rằng xu hướng vàng trong dài hạn vẫn tích cực.
Quặng sắt Trung Quốc ổn định
Quặng sắt Đại Liên giữ ổn định trong phiên qua khi tồn kho nguyên liệu thô sản xuất thép của Trung Quốc đang giảm đã hỗ trợ giá, bất chấp lo sợ khả năng làn sóng lây nhiễm virus corona thứ 2 và những dấu hiệu nhu cầu thép trong nước đang suy yếu.
Quặng sắt Đại Liên kỳ hạn tháng 9 đóng cửa ổn định tại 762,5 CNY (107,51 USD)/tấn, xóa đi mức tăng trước đó. Tuy nhiên, quặng sắt trên sàn giao dịch Singapore giảm 2,1% xuống 100,03 USD/tấn.
Quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc đã giảm xuống 107,75 triệu tấn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome. Sự sụt giảm tồn kho cho thấy nhu cầu quặng sắt mạnh mẽ của các nhà máy thép Trung Quốc khi họ tăng cường sản xuất, với sản lượng thép thô tăng 8,5% trong tháng 5 so với một tháng trước và tăng 1,9% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi quặng sắt Đại Liên giữ ở mức cao sau 6 tuần tăng liên tiếp, lo lắng về số ca nhiễm virus corona tăng vọt tại Trung Quốc đã gây lo lắng trong thị trường đang kéo giá thép giảm.
Giá thép thanh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,5% và thép không gỉ giảm 1,3%.
Giá cà phê giảm
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 15 USD, xuống 1.166 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 17 USD, còn 1.195 USD/tấn, các mức giảm khá đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm phiên thứ năm liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,2 cent, xuống 95,8 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 1,25 cent, còn 98 cent/lb, các mức giảm cũng khá đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Sáng nay 16/6 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên giảm 300.000 đồng/kg so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 31,1 – 31,3 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 30,9 – 31 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.130 VND.
Nguồn cung dự báo dồi dào và vụ mùa của Brazil đã được thu hoạch đang gây sức ép lên giá cà phê. Ngoài ra, còn có những lo ngại mới về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai.
Reuters đưa tin: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/21 (tháng 10 – tháng 9) sẽ đạt mức kỷ lục 176,1 triệu bao, tăng 9,1 triệu bao so với vụ 2019/20. Điều này sẽ khiến cung vượt cầu 6,4 triệu bao và tồn kho trên thế giới tăng lên mức cao nhất 6 năm với gần 42 triệu bao 60kg. Dự kiến vụ mùa của Brazil sẽ ở mức kỷ lục 67,9 triệu bao.
Theo tin từ Safras & Mercado ở Brazil, tính đến thời điểm hiện tại nhà sản xuất cà phê số 1 thế giới đã bán được 34% sản lượng vụ 2020/21 đang thu hoạch, tăng 6% so với vụ 2019/20. Đạt được thành quả thương mại này là do có sự hỗ trợ của tỷ giá đồng Real hiện đang ở mức có lợi để người Brazil đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu (tỷ giá 1 USD = 5,1410 Real).
Tại Việt Nam: Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên được Bộ Công Thương chọn thực hiện đề án thí điểm “Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020”. Xác định cà phê là cây công nghiệp trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều năm qua Lâm Đồng đã gây dựng và mở rộng đáng kể diện tích cây cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 5 vùng trồng ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Lạc Dương và Di Linh. Từ năm 2018 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, trong đó: Hỗ trợ 2 nội dung ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 12 cơ sở, và hỗ trợ 300 lượt học viên tại doanh nghiệp (DN) chế biến cà phê tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, với kinh phí 3,4 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm triển khai, đề án điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thế giới, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đề án đã thu hút 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức được 6 đợt giao thương với 32 DN chế biến cà phê. Kết quả, 14 hợp đồng mua bán, trao đổi để tiêu thụ sản phẩm; 22 biên bản hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp và nhà phân phối lớn tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Để tiếp tục triển khai đề án, trong thời gian còn lại của năm 2020, khuyến công Lâm Đồng sẽ chọn lọc và hỗ trợ trọng tâm các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn, trong đó chú trọng ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất.
VICOFA tổng hợp
(Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, Agrotrade Vietnam, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)