Lịch sử hình thành và phát triển

I. LỊCH SỬ CADA

Sau khi đặt được ách thống trị, hoạt động chủ yếu của thực dân Pháp ở Đắk Lắk là ra sức bóc lột sức lao động và vơ vét tài nguyên ở đây. Đi đến đâu, thực dân Pháp tiến hành tổ chức khai thác thuộc địa triệt để. Với Đắk Lắk, lúc bấy giờ là những khu đất đai mầu mỡ cộng với nguồn nhân lực rẻ mạt mà số đông là được khai thác tại chỗ. Những đồn điền lớn lần lượt xuất hiện. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ khu khai thác đầu tiên là đồn điền CADA.

CADA: đây là từ viết tắt, lấy những chữ cái đầu của cụm từ COMPAGNIE AGRICOLE D’ASIE: nghĩa là Công ty Nông nghiệp Á châu.

Công ty Nông nghiệp Á châu hay đồn điền CADA bao chiếm một diện tích khá rộng từ km 18 đến km 47 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột - Nha Trang. CADA có trụ sở chính tại Pháp ở số 46 đường De Laborde - Quận 8 - Paris. Với số vốn đầu tư là 50.000.000 Frs (quan tiền Tây) và tổng diện tích khai phá 4.000 ha kinh doanh cà phê và trà. Sản phẩm của CADA làm ra đều gửi về Pháp (nhập ở bến Lehavre), ngoài ra còn bán sang các nước như: Algérie, Maroc, Indonésia...

Như vậy: CADA là tên lấy từ những chữ cái đầu của một tổ chức kinh tế mà thực dân Pháp đã thành lập để khai thác thuộc địa tại huyện Krông Păk - Đắk Lắk từ năm 1922.

CADA là nơi thực dân Pháp mở đầu việc cướp đoạt đất đai để khai thác tài nguyên một cách quy mô trong quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đắk Lắk và cũng chính nơi đây trong quá trình vận động cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì chính CADA lại là nơi bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 40 năm xây dựng đã bị sụp đổ trước tiên ở Đắk Lắk.

CADA là nơi ra đời chính quyền cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh lúc bấy giờ và sau đó Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công nhân ở một đồn điền của thực dân Pháp, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong toàn tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột. Nơi đây, lần đầu tiên cờ đỏ cách mạng tung bay trên cột cờ trước trụ sở ủy ban cách mạng lâm thời vừa được thiết lập.

CADA với đội ngũ công nhân của mình đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trước khi thực dân Pháp tái chiếm thị xã Buôn Ma Thuột và trong quá trình đấu tranh, bảo vệ những thành quả của cách mạng với một đội ngũ công nhân kiên cường, mang trong mình khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã trở thành cơ sở vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh, sẵn sàng chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng cộng sản Việt Nam.

Như vậy, trong lịch sử ra đời và trưởng thành của công nhân ở CADA đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa, là sự chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk.

Hiệp định Genéve (1954) đã kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp với chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ. Năm tháng tiếp tục trôi qua, cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước được đánh dấu bằng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4-1975).

Sau khi tiếp quản toàn bộ diện tích của Đồn điền CADA, Ngày 01-3-1977, Uỷ Ban Nhân dân Tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 109/QĐ-UB về việc thành lập Nông trường quốc doanh địa phương, lấy tên là Nông trường Phước An huyện Krông Păk (hiện nay là Công ty cổ phần cà phê Phước An).

CADA là nơi đánh dấu những sự kiện lịch sử tiêu biểu về sự ra đời và trưởng thành vững chắc của chính quyền Việt Minh, hòa cùng nhân dân các dân tộc ở Đắk Lắk khởi nghĩa giành chính quyền (24-8-1945) mở ra một giai đoạn mới rực rỡ hơn bao giờ hết trong lịch sử tỉnh nhà.

II. PHƯỚC AN- 40 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Tháng 11- 1976, 20 cán bộ của Nông trường Đông Hiếu (Nghệ An) chia tay gia đình, hàng xóm láng giềng khăn gói lên đường đưới sự điều động của Bộ Nông nghiệp, vào tỉnh miền núi Đắk Lắk nhận nhiệm vụ xây dựng Nông trường Cà phê Phước An. Tất cả đều mới mẽ, lạ lẫm ở một vùng đất rừng Tây Nguyên hoang vu, lại đầy bất trắc vì tình hình an ninh chưa được đảm bảo. Lúc đó bọn Fulrô đang hoạt động chống phá cách mạng, cướp bóc và sát hại dân lành. Phước An nằm trong khu vực hoạt động của chúng. Hàng ngày, cứ khoảng 4 giờ chiều, đoạn Quốc lộ 26 qua đây thường ít người đi lại. Vì thế, Nông trường đã được giao 2 nhiệm vụ cơ bản là củng cố, tổ chức sản xuất và chiến đấu bảo vệ an ninh khu vực.

Chỉ sau 4 tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 01/04/197, Nông trường cà phê Phước An chính thức được thành lập. Đảng ủy và lãnh đạo Nông trường tổ chức quán triệt đưa chiến đấu lên nhiệm vụ hàng đầu, đã nhanh chóng tổ chức lực lượng dân quân tự vệ và cơ động cấp tiểu đoàn, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, tổ chức nhiều đợt truy quét tiêu diệt và bắt sống tàn quân Fulrô. Trận đánh vào tháng 5 năm 1982, đã bắn hạ tên đại úy chỉ huy, làm tan rã lực lượng Fulrô tại đây.

Diện tích cà phê ban đầu của Nông trường chỉ có 240 hecta, nguyên thuộc một số đồn điền của tư sản người Việt và nước ngoài đã bị bỏ hoang. Lúc bấy giờ, cỏ tranh, cây dại mọc dày xen lẫn với cây cà phê, cơ sở hạ tầng hầu như không đáng kể, toàn bộ sản luợng thu hoạch chỉ được 30 tấn quả khô. Nông trường tuyển dụng công nhân từ các hộ dân kinh tế mới và một số công nhân đồn điền trước đây. Việc tổ chức sản xuất hết sức khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cán bộ và công nhân chưa có kinh nghiệm, chưa nắm được quy trình kỹ thuật thâm canh cây cà phê trên vùng đất mới. Hệ thống thủy lợi chưa có, cán bộ và công nhân phải gánh nước tưới cây cà phê, làm lụng cực nhọc nhưng đời sống lại bấp bênh, thiếu thốn, hàng trăm công nhân thuộc các hộ kinh tế mới từ Nghệ An, Thái Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng đã bỏ về quê cũ.

Giai đoạn này, từ năm 1977 đến năm 1982, nhờ sự lãnh đạo có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ đã kiên trì bám trụ, vượt qua những thử thách tưởng chừng quá sức chịu đựng của con người. Bên cạnh nhiệm chiến đấu và tổ chức sản xuất, Nông trường đẩy mạnh việc trồng các loại cây lương thực, hoa màu ngắn ngày và chăn nuôi để cải thiện và ổn định đời sống cán bộ, công nhân. Năm 1978, một năm cam go của thời kỳ đầu phát triển vườn cây cà phê, nông trường đã trồng mới được 1.008 hecta và từ đó, mỗi năm phát triển thêm 50-100 hecta, nhưng cũng trong thời gian từ 1979-1982, đã phải nhiều lần thanh lý, phá bỏ trồng lại tổng cộng lên đến 124 hecta cà phê có năng suất kém. Đến năm 1982, diện tích cà phê của nông trường có khoảng 1.500 hecta, nhưng phần lớn mới trồng và năng suất còn thấp, nên sản lượng vẫn chưa đáng kể.

San ủi đất hoang phục vụ trồng mới cà phê tại Nông trường cà phê Phước An

Giai đoạn thứ hai có thể tính từ năm 1982 đến năm 1988. Lúc này tình hình an ninh đã được đảm bảo, nhưng tình hình sản xuất vẫn còn khó khăn. Đời sống công nhân lúc này còn gian khổ, thậm chí còn một số hộ thiếu đói. Cơ chế bao cấp trong công tác quản lý kìm hãm cộng với trình độ kỹ thuật và quản lý của cán bộ còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được tính tích cực trong tư tưởng nguời lao động, chưa tạo được động cơ thúc đẩy ý thức trách nhiệm của cán bộ và công nhân sản xuất. Cái đói, cái khổ đã đẩy một số người đến lối sống tiêu cực và vô trách nhiệm.

 

Lãnh đạo Chính phủ thăm Nông trường cà phê Phước An năm 1978

Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk. Năm 1985, Nông trường cà phê Phước An tách một phần nhân lực và diện tích 120 hecta để thành lập Nông trường cà phê Phước Sơn và năm 1989 lại một lần nữa tách ra 600 hecla thành lập thêm Nông trường cà phê Tháng 10. Đây là những biện pháp hợp lý phù hợp với tình hình và năng lực quản lý sản xuất, đã giúp nông trường tháo gỡ một số khó khăn vào các thời điểm nói trên. Năm 1988, nông trường thực hiện biện pháp khoán việc, khoán theo công đoạn sản xuất cho công nhân. Biện pháp này đã tạo được động cơ kích thích cần cù, ham việc của người lao động; bởi lợi nhuận đã tăng tỉ lệ thuận với năng suất và chất lượng công việc của họ. Năng suất, sản lượng thu hoạch của Nông trường được nâng cao dần và đời sống công nhân cũng từng bước khá lên. Năm 1988, Phước An là nông trường đầu tiên của cả nước đạt sản lượng thu hoạch 1.000 tấn cà phê nhân.

 

Lễ thành lập Nông trường cà phê Tháng 10 – tách ra từ Nông trường cà phê Phước An

Năm 1989, Nông trường Cà phê Phước An bước vào giai đoạn phát triển sản xuất với nhiều thuận lợi, cùng cả nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển đổi hoạt động theo nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, sự chuyển đổi đột ngột cũng đã gây ra không ít khó khăn, lúng túng nhất thời. Trong giai đoạn này, các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, chế biến và kinh doanh được đầu tư mạnh. Đến nay đã có 8 hecta sân phơi, 3.000 mét vuông kho chứa có khả năng tiếp nhận 15.000 tấn sản phẩm. Hệ thống thủy lợi và giao thông đảm bảo. Nhà máy sán xuất phân vi sinh có công suất 50 tấn/ngày và một nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu có chất lượng cao.

 

Nông trường Phước An áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác vườn cây

Người lao động được tự nguyện nhận khoán diện tích phù hợp với năng lực, điều kiện của họ trong thời gian từ 15 đến 20 năm. Công lao động được trả bằng 44% sản lượng cà phê thu hoạch thực tế. Nông trường giao khoán nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, phát huy tính tự chủ và trách nhiệm của công nhân nhưng không ngừng tăng cường công tác quản lý về nhiều mặt. Người công nhân phải thực hiện sự chỉ đạo kỹ thuật, điều phối và quán lý việc sử dụng vật tư của Nông trường. Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất đều tự đầu tư thêm ngoài phần đầu tư của nông trường. Phần sản phẩm vượt khoán và sản phẩm riêng của công nhân được bán cho Nông trường theo giá thỏa thuận.

Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được Nông trường ứng dụng phục vụ sản xuất. Có thể kể đến một biện pháp cải tạo vườn cây khá táo bạo là cắt tỉa và hạn chế sự phát triển tự do cành, ngọn cây nhằm tăng năng suất cà phê. Khi thực hiện biện pháp này, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Thậm chí Giám đốc và Bí thư đảng ủy đã phải tổ chức giải trình sự việc trước toàn Nông trường. Nhưng cũng chính vì những trắc trở về dư luận nên kết quả thành công của ngày nay càng ngoạn mục và có ý nghĩa. Đó là kết quả của một công trình nghiên cứu cộng tác giữa Giám đốc Nông trường và đồng chí Phó Giáo sư, phó Tiến sĩ Phan Quốc Sủng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cà phê Ea K'Mát.

 

Công ty Phước An triển khai hệ thống ông tưới chôn ngầm cho mùa tưới năm 1998

Xin dẫn ra vài con số về năng suất bình quân hàng năm của Công ty cà phê Phước An, như sau: Năm 1993 đạt 1,5 tấn/hecta, năm 1994 đạt 1,8 tấn/hecta, năm 1995 đạt 2,4 tấn/hecta và năm 1996 đạt hơn 3 tấn/hecta. Đặc biệt, có hơn 200 hecta liên tục trong nhiều năm đạt năng suất bình quân trên 4 tấn/hecta và, cá biệt, có những lô vườn cà phê đạt 6-7 tấn/hecta.

Từ năm 1993, Nông trường cà phê Phước An được phép xuất khẩu trực tiếp. Vụ cà phê năm 1993-1994, đạt kim ngạch xuất khẩu 6.425.610 USD. Vụ cà phê năm 1995-1996, tính đến tháng 5/1996, đã đạt 11.028.000 USD, chiếm 62% kế hoạch. Từ yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, Nông trường đã đặt Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, đảm trách việc giao dịch thương mại với khách hàng đến từ nhiều nước khắp Châu Á, Âu, Mỹ,...

 

Lãnh đạo công ty tiếp đón khách hàng nước ngoài

Vào những ngày cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, toàn thể cán bộ, công nhân Nông trường phấn khởi nhận tin vui: Ngày 5-6-1996 theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, Nông trường chính thức được chuyển đổi thành công ty cà phê Phước An. Vui mừng vì được sự tin cậy của lãnh đạo cấp trên nhưng chúng tôi nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đòi hỏi phải tiến bộ hơn, nỗ lực hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Ngoài những nhiệm vụ cơ bản về kinh tế, chính trị và quốc phòng, công tác chăm lo và nâng cao đời sống cán bộ, công nhân cũng không kém phần quan trọng. Có thể nói tại đây đã hình thành một cộng đồng dân cư đoàn kết, sống hòa thuận và thu nhập ngày càng cao dưới "mái nhà chung" là Công ty cà phê Phước An. Từ năm 1996, 100% công nhân viên chức của Công ty được bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác theo quy định của Nhà nước.Hàng năm, nhiều cán bộ, công nhân được đi du lịch, tham quan cảnh đẹp và di tích lịch sử ở các tỉnh trong nước, tham gia các phong trào VHVN, TDTT. Riêng trong năm 1995, đã có 226 lượt người và 58 học sinh đi du lịch. Toàn bộ khu gia cư của các hộ công nhân của Công ty đã sử dụng điện lưới quốc gia. Gần 70% hộ đã có xe máy và máy thu hình với hơn 200 đầu máy video, 200 máy cày kéo rơmoóc và đã có hơn 350 ngôi nhà được xây dựng kiên cố với kiến trúc đẹp trong toàn khu vực Công ty.

Trong 02 năm 1995, 1996 gần tròn 1.000 hecta cà phê vừa trồng mới tại xã Cư Né huyện Krông Buk và xã Ea Nam huyện Ea H’leo, đó là kết quả của kế hoạch mở rộng diện tích cây trồng của Phước An để nâng tầm công ty lên quy mô sản xuất kinh doanh rộng hơn, là hướng phát triển đúng đắn và tích cực cho những đóng góp mới cho Phước An giàu mạnh hơn trong tương lai. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho 650 hecta cà phê tại Cư Né và 350 hecta tại Ea Nam, công ty đã xây dựng hoàn chỉnh tất cả 9 đập nước với hệ thống bơm nước đầy đủ, nâng tổng chi phí lên 27 tỷ đồng cho 2 vùng đất chuyên canh cà phê mới của Phước An. Ngay từ ban đầu, công ty đã quan tâm đến vấn đề giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê tại địa phương này,  với số tiền 260 triệu đồng được chi ra để xây dựng trường lớp ở xã Cư Né. Các công trình phúc lợi xã hội rồi sẽ được tiếp tục xây dựng lên ở ở Cư Né và Ea Nam, nơi cuộc sống của đồng bào Êđê đã cơ cực thiếu thốn từ bao đời, quanh năm 2 mùa mưa nắng cao nguyên chỉ biết trông chờ vào nương rẫy với từng gùi lúa khô trên lưng vai.

Trong giai đoạn 2000-2003 do ảnh hưởng của sự khủng hoảng trong ngành cà phê, một lần nữa công ty  rơi vào tình cảnh khó khăn: chi phí đầu tư chăm sóc cao, nhiều lúc giá vốn cao hơn giá bán. Nhu cầu về vốn cho đầu tư khan hiếm, xuất khẩu cà phê bị đình trệ. Song với với bản lĩnh vốn có, sự cố gắng của toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên, sự điều hành linh hoạt và tài năng kinh doanh nhạy bén của cán bộ lãnh đạo, nhất là các cán bộ chủ chốt trong kinh doanh, đã đưa Công ty vượt qua những thử thách cam go thời khủng hoảng đứng vững trên thị trường, khẳng định được vị thế, tên tuổi và uy tín trên thương trường trong nước và quốc tế, bảo toàn vốn và có lời. Trong những năm gần đây Công ty không ngừng lớn mạnh về mọi mặt về số lượng cũng như chất lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD/năm, lợi nhuận của Công ty không ngừng gia tăng. Hiện nay công ty cổ phần cà phê Phước An đang là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Certified (Cà phê sạch đảm bảo truy nguyên nguồn gốc).

Là doanh nghiệp có diện tích cà phê lớn, công ty cổ phần cà phê Phước An đã chủ động từ khâu chọn giống, chăm sóc kỹ thuật. Qua công nghệ chế biến hiện đại với những quả cà phê chọn lọc từ những vườn cà phê tốt nhất đã cho ra đời sản phẩm cà phê thương hiệu Phuoc An Coffee, đặc biệt là dòng cà phê chế biến ướt chất lượng cao. Sản phẩm của công ty cổ phần cà phê Phước An đã đáp ứng được nhu cầu trong và ngoài nước như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, Singapore, …, chinh phục những thị trường khó tính Nhật Bản, luôn mang đến cho đối tác, bạn hàng sự tin cậy và hài lòng, xứng tầm thương hiệu cà phê nhân chất lượng cao, tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường xuất khẩu cà phê và nông sản. Với những thành công và bước đi ngày càng vững chắc, Phuoc An Coffee vươn lên tầm cao mới khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Chế biến ướt cà phê tại nhà máy chế biến Phước An

Với tầm nhìn chiến lược lâu dài, năm 2004 công ty đã triển khai mô hình trồng xen cây Sầu Riêng DoNa trên toàn bộ diện tích tại vùng Phước An, giúp đa dạng sinh học vườn cây, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tăng doanh thu, nâng cao hơn mức thu nhập cho người lao động. Đến nay, dự án mang lại hiệu quả rất cao cho người nhận khoán, quan các năm mỗi ha trồng xẽn cho thu nhập ổ định từ 800 triệu – 1 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty tiếp tục xen canh cây bơ Booth 7 trên hơn 100 ha cà phê của công ty, vừa giúp tạo cây che bóng cho cây cà phê, vừa mang hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, công ty đã thực hiện thí điểm thành công mô hình sản xuất sầu riêng, bơ theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Đ/c Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thăm vườn cây cà phê của công ty

Công ty cổ phần cà phê Phước An đã được Bộ Công Thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và nhiều năm liền là doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với bản lĩnh và tiềm năng của mình, Công ty cổ phần cà phê Phước An tự tin bước vào thời kỳ mới của nền kinh tế hội nhập, khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Từ một nông trường với bộn bề công việc, khó khăn, thiếu thốn. đến nay công ty cổ phần cà phê Phước An đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp lớn mạnh trong ngành cà phê của tỉnh nhà, đó là một chặng đường dài với nhiều gian nan thử thách. Nhưng với sự đồng lòng đồng sức của cả một tập thể, đặc biệt là với quyết tâm “dám nghĩ dám làm” của ban lãnh đạo công ty, Công ty cổ phần cà phê Phước An đã từng bước khẳng định vị thế của mình. Trong những năm qua, công ty đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì cùng 2 Huân chương Lao động hạng 3; giải thưởng Sao vàng đất Việt; giải thưởng Sao Đỏ; giải thưởng chất lượng vàng Việt Nam; doanh nghiệp văn hóa UNESCO và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tổng giám đốc công ty vinh dự nhận Giải thưởng Sao vàng Đất Việt năm 2017

Một Phước An vững mạnh luôn góp phần trong nhiều lĩnh vực công tác xã hội của tỉnh, nay trên đà phát triển rộng lớn hơn đang cố gắng san sẻ đời sống ấm no bằng nguồn vốn và kinh nghiệm sản xuất. Đó là những con số đem lại niềm vui cho cuộc sống. Vùng đất Phước An cứ qua mỗi mùa quả đỏ lại rạng rỡ thêm lên với những hàng cây, với những công trình xây dựng mới, với niềm vui được nhân lên trong từng ánh mắt, nụ cười của những con người. Phước An đã và đang trở thành một trong những điểm sáng rất đáng tự hào của hàng ngàn cán bộ công nhân người Kinh, người Êđê trên vùng đất Tây Nguyên giàu đẹp, anh hùng của Tổ quốc.

Cán bộ nhân viên công ty tham gia phong trào thể dục thể thao

11111111111111