BẢN TIN THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/6/2020
Lo ngại nguồn cung sụt giảm đẩy giá dầu tăng 2% trong phiên đầu tuần vừa qua. Tuy nhiên, lo ngại về Covid-19 lại là yếu tố gây tác động chính tới những mặt hàng khác, theo đó giá vàng đạt mức cao nhất hơn 1 tháng, trong khi giá sắt thép, cao su, dầu cọ… đều giảm, cà phê 2 sàn điều chỉnh tăng sau khi giảm vào tuần trước. Mỹ tiếp tục hạn chế người nhập cư và lao động nước ngoài hết năm 2020. Cổ phiếu Apple lập đỉnh mới, Phố Wall chuẩn bị ghi nhận tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp.
Dầu tăng do nguồn cung thắt chặt
Giá dầu thô tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch vừa qua do nguồn cung từ các nhà sản xuất chủ chốt bị thắt chặt trong khi những chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội được nới lỏng, mặc dù số ca nhiễm virus tăng trên toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 89 US cent (2,1%) lên 43,08 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 90 US cent (2,3%) lên 40,73 USD/thùng.
Số giàn khoan dầu ở cả Mỹ và Canada tuần qua đều giảm xuống mức thấp mới, chỉ báo cho thấy tương lai nguồn cung dầu sẽ ít đi. Trong khi đó, các bang ở Mỹ và các nước trên khắp thế giới đang mở cửa trở lại sau giai đoạn đóng cửa để chống dịch cũng góp phần đẩy giá dầu tăng lên.
Giá xăng dầu ở Châu Á cũng có xu hướng đi lên. Hợp đồng giao dịch dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh tháp (LSFO) tăng giá tới 16,7% vào đầu phiên giao dịch 22/6 trên Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải (INE). Hợp đồng LSFO kỳ hạn giao sau 1 tháng có thời điểm lên đến 2.368 CNY/tấn, sau đó kết thúc phiên ở mức 2.599 CNY (367,35 USD)/tấn, tăng 9,8% so với phiên giao dịch liền trước.
Giá xăng và tỷ suất lợi nhuận của các nhà tinh chế xăng Châu Á đang tăng trở lại từ mức thấp của tháng 4 và tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Giá xăng 92-octan – tham chiếu cho thị trường Châu Á – trong khoảng thời gian 1 – 18/6/2020 trung bình là 41 USD/thùng, tăng lần lượt 33% và 111% so với giá trung bình lần lượt của tháng 5 và tháng 4/2020. Các tàu trên biển chứa xăng tồn trữ ở Indonesia, Sri Lanka và Malaysia đã dần được giải phóng hết lượng hàng tồn trữ.
Vàng cao nhất hơn 1 tháng
Giá vàng tăng 1% trong phiên vừa qua, đạt mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng do nhà đầu tư tập trung vào kim loại an toàn này sau khi số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu tăng lên, làm giảm bớt hy vọng vào sự hồi phục kinh tế thế giới.
Giá vàng giao trên sàn London lúc 18h41 GMT tăng 0,7% lên 1.755,58 USD/ounce. Trong khi đó, vàng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.766,4 USD/ounce.
Số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng trên toàn cầu đã đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.750 USD/ounce.
Ca cao hồi phục từ mức thấp nhất hơn 1 năm
Giá ca cao trên sàn London đã đảo chiều tăng từ mức thấp nhất hơn 1 năm của phiên liền trước – khi thị trường lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể làm giảm nhu cầu, trong nguồn cung được cải thiện.
Ca cao kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn London tăng 10 GBP (0,6%) lên 1.700 GBP/tấn. Phiên trước đó (19/6), giá giảm xuống chỉ còn 1.660 GBP/tấn, thấp nhất kể từ tháng 5/2019. Cacao kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York cũng tăng 18 USD (0,8%) lên 2.270 USD/tấn.
Ngân hàng Rabobank cho biết kinh tế thế giới yếu đi do Covid-19 có thể khiến cho nhu cầu cacao sụt giảm, trong khi thời tiết tốt lên hứa hẹn sản lượng năm 2020/21 sẽ bội thu.
Cà phê 2 sàn điều chỉnh tăng sau khi giảm vào tuần trước
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 13 USD, lên 1.188 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 10 USD, lên 1.205 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 2,1 cent, lên 98 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 2,05 cent, lên 100,2 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình.
Sáng nay 23/6 giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên tăng 200.000 đồng/kg so với hôm qua, cụ thể tại Đăk Lăk giá cà phê nhân xô trong khoảng 30,9 – 31,1 triệu đồng/tấn, Gia Lai, Đăk Nông 30,7 – 30,8 triệu đồng/tấn. Tỷ giá Vietcombank mua chuyển khoản: 1 USD = 23.120 VND.
Giá cà phê kỳ hạn hiện nay suy yếu do những điều cơ bản đã được thị trường nhận định. Đó là sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Sức tiêu thụ cà phê vì vậy đã giảm sút, ít nhất khoảng 10%, góp phần vào suy thoái kinh tế thế giới nói chung. Trong khi Brazil, nhà sản xuất cà phê số 1 thế giới bước vào vụ thu hoạch mới năm nay với sản lượng tăng theo chu kỳ “hai năm một” đã làm gia tăng sức ép lên nguồn cung vốn đã được dự đoán dư thừa trước đó. Thị trường đã suy đoán giá cà phê kỳ hạn tại New York sẽ quanh quẩn ở mức 2 chữ số cho tới khi sản lượng vụ mùa năm nay của Brazil trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.
Đồng Real tăng 0,94 % lên ở mức 1 USD = 5,2680 Real do phản ứng lạc quan chung của các đồng tiền mới nổi khi nhà đầu tư tăng cược vào sự phục hồi kinh tế Mỹ, với khả năng báo cáo các chỉ số kinh tế giảm và số lượng ngày càng tăng của các ca nhiễm conoravirus mới. Trong khi đó, tác động của việc Uỷ ban Chính sách Tiền tệ (Copom) cắt giảm lãi suất đồng Real xuống còn ở mức 2,25%/năm bắt đầu phát huy tác dụng, đã hỗ trợ người Brazil bán cà phê vụ mới chậm lại.
Theo báo cáo của Safras & Mercado, nông dân Brazil đang đẩy tiến độ thu hoạch tăng nhanh hơn các tuần trước nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng đến nay chỉ mới đạt khoảng 34% sản lượng vụ mùa so với mức trung bình 38% trong vòng 5 năm qua. Theo Hợp tác xã trồng cà phê Cooxupé ở Guaxupe, miền nam Minas Gerais, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại do có các liên minh sản xuất cà phê giữa các hợp tác xã sản xuất đã hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch.
Theo các nhà quan sát, thương mại cà phê nói chung vẫn chậm chạp, việc giao tiếp xã hội còn hạn chế trước nguy cơ tái lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Khối lượng thương mại trên cả hai sàn vẫn còn thấp do vẫn còn nguyên áp lực bán hàng vụ mới từ nhà sản xuất hàng đầu.
Thời điểm này là bắt đầu mùa mưa tại các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, theo khuyến cáo của Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, giai đoạn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 ở Tây Nguyên là thời điểm thuận lợi và lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Trong giai đoạn này, cây cần có nhu cầu về chất dinh dưỡng rất lớn, ước chừng 80-85% tổng nhu cầu dinh dưỡng trên năm; quả cà phê vối bắt đầu tăng nhanh về thể tích quả cho đến thu hoạch. Đồng thời đây là giai đoạnh phát sinh cành chồi dự trữ cho vụ sau. Do vậy, để đảm bảo năng suất và tạo lượng cành dự trữ thì cần thiết phải cung cấp đầy đủ các dưỡng chất theo nhu cầu sinh lý của cây. Để việc bón phân đạt hiệu quả cao nhất thì cần thiết phải áp dụng đồng thời các biện pháp kỹ thuật bổ trợ như: cắt cành, làm cỏ, ép xanh, rong tỉa cây che bóng… Việc thu dọn tàn dư thực vật trong gốc cà phê là một kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ cho việc bón phân đạt hiệu quả cao nhất khi kết hợp với quy tắc bón phân bốn đúng” đúng thời điểm”, “đúng loại’, “ đúng lượng” và đúng cách.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 09/6, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 56,67% lên đăng ký bán ròng ở 17.489 lô, tương đương 4.958.054 bao và rất có thể đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại nói chung có phần suy yếu hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã cắt giảm vị thế bán ròng ngắn hạn bớt 13,77 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký bán ròng ở 30.918 lô, tương đương 5.153.000 bao và có khả năng đã giảm bớt hơn nữa sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 15/6, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 2.370 tấn, tức giảm 1,93 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 120.430 tấn (tương đương 2.046.667 bao, bao 60 kg).
VICOFA tổng hợp