Cà phê phái sinh: Ngừa rủi ro hơn lo canh giá

29/07/2020

Chỉ trong vòng hai tuần giao dịch, thị trường cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, tăng trên 160 đô la Mỹ/tấn, nhưng giá trong nước chẳng chịu lên theo. Tại sao?

Giá cà phê phái sinh dâng cao

Diễn biến giá trên sàn cà phê phái sinh London (nguồn: barchart.com)

Từ nửa tháng nay, giá cà phê trên sàn phái sinh robusta London tăng mạnh làm nhiều người phải trố mắt. Có ngày thị trường chứng kiến tăng 50 đô la/tấn. Riêng tuần qua, tính trên giá đóng cửa sàn này, giá tăng thêm 65 đô la đứng tại 1.358 đô la/tấn sau khi chạm đỉnh 1.369 đô la, mức cao nhất tính từ năm tháng rưỡi nay.

Dù đợt tăng này đã từng được dự đoán (*), nhưng cú nhảy nhanh và mạnh trên sàn làm nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Điều này trái ngược với những thông tin về cung-cầu như Brazil năm nay được mùa với 68-69 triệu bao (bao = 60 kg), dịch Covid-19 làm hạn chế tiêu thụ, tồn kho tại các nước nhập khẩu tăng do giãn cách xã hội.

Trong kinh doanh hàng hóa nguyên liệu, yếu tố cung-cầu thường chi phối giá thị trường. Nhưng hình như đợt này không phải thế mà lại chịu tác động các lực đẩy từ bên ngoài. Thật vậy, chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ từ đỉnh 97,81 điểm lập ngày 30-6-2020 đến hết phiên giao dịch 24-7 xuống còn 94,30 điểm, cận mức đáy giao dịch trong ngày là 94,27 điểm, là mức thấp nhất tính từ hai năm trở lại đây.

“Có thể nói một đồng đô la yếu là đòn bẫy cho giá các sàn hàng hóa thương phẩm tăng. Nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu các nước Âu Mỹ nói chung đã quá cao, giới đầu tư ngần ngại không đổ vốn vào mua thêm khi căng thẳng ngoại giao giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc những ngày gần đây trở nên căng thẳng. Tiền mặt vừa qua được chính phủ các nước bơm mạnh để cứu nền kinh tế, nhưng giá trị đồng đô la giảm, giá trị cổ phiếu đang mức cao quá, đã khiến giới đầu tư bán tháo đồng đô la Mỹ để sớt qua sàn vàng và các thị trường hàng hóa khác để trú ẩn. Đợt này, giá cà phê phái sinh tăng song hành với giá vàng. Giá vàng trên sàn phái sinh New York đã vượt qua mức 1.900 đô la Mỹ/ounce để tiến dần lên mức cao lịch sử lập vào tháng 9-2011 tại 1.920 đô la/ounce.”- một chuyên gia phân tích thị trường tại TPHCM nhận định.

Thị trường nội địa “lạnh tanh”

Diễn biến giá cà phê trong nước (nguồn: feedin.me)

Suốt chuỗi ngày giá robusta London tăng, thị trường cà phê nội địa hầu như vẫn “im re”, không còn như thời gian trước đây giá trong nước đeo đẵng theo giá của sàn không rời một phân.

Nếu giá đóng cửa sàn London ngày 17-7-2020 tại 1.293 đô la/tấn, bấy giờ giá cà phê trong nước bình quân 32,66 triệu đồng/tấn, thì đến 25-7-2020, London đạt 1.358 đô la/tấn nhưng giá nội địa chỉ đạt bình quân 32,54 triệu đồng/tấn (hình 2). Như vậy, trong kỳ, London tăng 65 đô la nhưng giá nội địa lại giảm.

“Giá tăng nhưng hiếm ai ký được hợp đồng mới,” Đỗ Hà Nam, Tông giám đốc Công ty Tập đoàn Intimex HCM cho biết. Một số chủ doanh nghiệp khác còn nói hầu hết các hợp đồng xuất khẩu trước đây đã được họ chốt giá xong từ lâu do sợ giá xuống nữa. Nay giá tăng, cơ hội kiếm tiền thực tế đã vuột khỏi tầm tay.

Vả lại, thường trong một đợt tăng chính là lúc để người mua trong và ngoài nước giảm giá. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể có lúc +220/+240 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) thì nay chỉ còn +120/+140 đô la/tấn FOB. Giảm mức cộng trên giá xuất khẩu đã chặn đứng đường tăng giá cho cà phê lưu thông trên thị trường nội địa.

Như vậy, ghim cà phê lại và bán hợp đồng giao kho chờ chốt giá (price-to-be-fixed) để đầu cơ giá lên xem ra lợi bất cập hại không chỉ chịu cảnh bị ép giá mà còn có thể thua lỗ do chi phí phát sinh như hao hụt hay trả lãi vay ngân hàng...

Đà tăng giá có thể còn tiếp tục

Đà tăng giá trên các sàn phái sinh thương phẩm có thể còn tiếp tục. Lượng tiền được chính phủ các nước bơm ra thị trường để cứu nền kinh tế rất lớn, tính đến nay đã đếm đến nhiều ngàn tỷ đô la. Giá hàng hóa tăng, nhưng rủi ro cũng tăng theo.

Cần thấy rằng nhiều doanh nghiệp đã bán trước (bán khống) nay có thể mua hàng không kịp, một số nhà kinh doanh trong và ngoài nước lợi dụng dịch Covid-19 để gây khó khăn, từ chối giao hàng hay nhận hàng. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng một số nhà nhập khẩu thường bắt đóng tiền cọc từ 20%-30% giá trị đơn hàng mới chịu mua hàng nhưng nếu giá xuống lại gây khó khăn đòi giảm giá.

Đó là chưa kể nhiều hợp đồng đã giao nhưng chờ vài ba tuần mới nhận tiền thanh toán hoặc thậm chí gặp hoàn cảnh éo le hơn, bên đối tác tuyên bố vỡ nợ. Vừa qua, chừng 100 tấn hồ tiêu không được thông quan tại một số nước vùng Nam Á hay mấy trăm tấn cà phê đã giao nhưng đối tác là người mua tuyên bố phá sản, gây không ít thiệt hại cho một số nhà xuất khẩu.

Tuy lượng tiền ra thị trường nhiều, giá cả chao đảo không theo một nguyên tắc nào, chính sách các nước tiêu thụ thay đổi thường xuyên, làn sóng phá sản tại các hãng sản xuất và kinh doanh, đặc biệt trong lãnh vực mua bán hàng nguyên liệu, do doanh nghiệp chưa thích ứng với tình hình mới… Các rủi ro ấy chính là điều cần quan tâm hơn cả ngồi canh giá lên hay giá xuống cho thời gian sắp tới.

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)





11111111111111