Cung cà phê thế giới sẽ vượt cầu tới 10,9 triệu bao trong niên vụ 2018/19

02/01/2019

Đó là dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong báo cáo tháng 12/2018.

 

Sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2018/19 dự báo sẽ cao kỷ lục 174,5 triệu bao (1 bao = 60 kg), tăng 15,6 triệu bao so với niên vụ trước, trong đó Brazil sẽ góp gần một nửa mức tăng đó vì sản lượng arabica bước vào vụ được mùa theo chu kỳ, trong khi sản lượng robusta cũng hồi phục.

Đó là dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong báo cáo tháng 12/2018.

Theo USDA, xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ này sẽ cao kỷ lục, chủ yếu cũng do Brazil. Mặc dù tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng nhẹ khoảng 3,3 triệu bao lên mức cao nhất trong lịch sử là 163,6 triệu bao, nhưng tồn trữ cuối vụ sẽ vẫn tăng mạnh thêm khoảng 7,1 triệu bao lên 31,7 triệu bao. Như vậy, cung sẽ vượt cầu 10,9 triệu bao. Năm ngoái, chỉ số giá cà phê tổng hợp của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã giảm hơn 10% cũng do cung vượt cầu.

Sản lượng arabica của Brazil dự báo sẽ tăng 8,4 triệu bao so với vụ trước, lên 46,9 triệu bao, trong đó hơn 80% đến từ các khu vực mà cây cà phê cho sản lượng cao theo chu kỳ 2 năm một lần. Giai đoạn cây ra hoa – tháng 9 đến tháng 11/2017 – ở Minas Gerais và Sao Paulo thời tiết tốt nên sai quả và chất lượng cũng cao. Mặc dù Parana và vùng đông nam Minas Gerais vào chu kỳ cây cho sản lương thấp nhưng sản lượng cũng không giảm nhiều.

Sản lượng robusta của Brazil dự báo tiếp tục hồi phục, tăng 4,1 triệu bao lên 16,5 triệu bao. Tổng sản lượng arabica và robusta dự báo sẽ tăng 12,5 triệu bao lên kỷ lục cao 63,4 triệu bao. Nguồn cung bổ sung (cả arabica và robusta) sẽ góp phần tích cực làm hồi phục mạnh cả lượng xuất khẩu cũng như dự trữ cuối vụ, đồng thời cũng giúp tăng tiêu thụ.

Sản lượng cà phê Việt Nam dự báo sẽ tăng 1,1 triệu bao lên kỷ lục 30,4 triệu bao nhờ thời tiết mát mẻ hơn và mưa trái mùa giúp cho cây cà phê phát triển tốt trong giai đoạn ra hoa và đậu trái. Một số khu vực có mưa lớn trong lúc gia hoa gây lo ngại năng suất có thể không cao như dự tính. Tuy nhiên, mưa bổ sung sau đó, ở giai đoạn trái phát triển, dã bù lại những tổn thất lúc ra hoa. Năm ngoái, sản lượng tăng bù đắp cho giá giảm, tạo cơ hội để nông dân có thêm tiền mua các vật liệu đầu vào (phân bón...) giúp tăng năng suất trong năm nay. Diện tích trồng cà phê Việt Nam năm nay dự báo tăng nhẹ so với năm ngoái, trong đó gần 95% là robusta. Xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và tồn trữ cuối vụ dự báo sẽ đều tăng khiến nguồn cung tăng lên.

Tổng sản lượng cà phê của Trung Mỹ và Mexico dự báo sẽ tăng nhẹ lên kỷ lục 20,6 triệu bao. Bệnh rỉ sét ở lá vẫn còn ở khu vực này và tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất, mặc dù 2 vụ thu hoạch vừa qua sản lượng đều cao kỷ lục. Tại Honduras, đầu năm 2017 đã phát hiện ra virus rỉ sét ở một giống cà phê trước đây kháng thuốc (Lempira). Sau đó, vào tháng 4/2018, Viện Nghiên cứu Cà phê Honduras đã xác định có 4 chủng virus gây bệnh mới, mặc dù không ảnh hưởng nhiều trên diện rộng. Honduras chiếm gần 40% sản lượng của khu vực và sản lượng được dự báo không thay đổi ở mức 7,6 triệu bao. Mexico và Guatemala mỗi nước chiếm khoảng 20% sản lượng của khu vực và cả 2 nước này đang tiếp tục chương trình trồng mới cây cà phê bằng những giống kháng bệnh. Tổng xuất khẩu cà phê Trung Mỹ và Mexico được dự báo giảm 100.000 bao xuống còn 17,0 triệu. Hơn 45% xuất khẩu từ khu vực này tới Liên minh châu Âu, và khoảng 1/3 đến Mỹ.

Sản lượng cà phê Colombia dự báo tăng 500.000 bao lên 14,3 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi và năng suất tăng. Trong một thập kỷ qua, năng suất ở nước này đã tăng khoảng 30% nhờ sử dụng những giống cây mới và chương trình trồng lại những cây vị già cỗi. Colombia xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu. Dự đoán tổng xuất khẩu sẽ tăng 600.00 bao lên 12,3 triệu bao, và dự trữ sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp.

Sản lượng của Indonesia dự báo sẽ tăng 500.000 bao lên 10,9 triệu bao, trong đó sản lượng robusta đạt 9,7 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi ở các khu vực Nam Sumatra và Java, nơi chiếm 75% diện tích cà phê. Sản lượng arabica cũng sẽ hồi phục lên 1,2 triệu bao. Năng suất ở vùng Bắc Sumatra dự báo sẽ tăng, bù lại cho năng suất giảm ở một số khu vực khác do mưa lớn và gió mạnh trong giai đoạn trái cây phát triển. Xuất khẩu của Indonesia dự báo duy trì ở 7 triệu bao, còn tồn trữ cuối vụ sẽ tăng 300.000 bao lên 900.000 bao.

Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu dự báo sẽ tăng 1,1 triệu bao lên 48,5 triệu bao và chiếm gần 45% tổng nhập khẩu toanò cầu. Những nhà cung cấp chủ chốt là Brazil (29%), Việt Nam (24%), Honduras (7%) và Colombia (7%). Dự trữ cuối vụ dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 13,8 triệu bao.

Mỹ là nhà nhập khẩu lớn thứ 2 với khối lượng dự báo tăng 2,1 triệu bao lên 26,5 triệu bao. Những nhà cung cấp chủ chốt của Mỹ là Brazil (23%), Colombia (22%), Việ Nam (15%), và Honduras (6%). Dự trữ cuối vụ dự báo cũng sẽ tăng 600.000 bao lên 6,8 triệu bao.Giá cà phê toàn cầu tiếp tục giảm do áp lực dư cung

Vân Chi (USDA/ TTVN)





11111111111111