Đà tăng giá cà phê tháng 7 có tiếp tục được duy trì?

11/08/2020

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong thời gian tới, nguồn cung cà phê trong nước hạn chế cùng với tình trạng thiếu nước tại khu vực Tây Nguyên khiến sản lượng thấp sẽ thúc đẩy giá nội địa tăng lên.

Cuối tháng 7, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng mạnh do đồng USD suy yếu, các dự báo thị trường lạc quan hơn và thời tiết Brazil không thuận lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê. 

Theo đó, nhu cầu cà phê robusta của thế giới tăng nhanh do đại dịch Covid-19 khiến xu hướng làm việc tại nhà tăng. Nhu cầu tiêu dùng cà phê được dự báo sẽ tăng khoảng 5,8% trong năm 2020.

Brazil có thể sẽ xuất hiện sương giá đen, thường làm cây trồng bị chết.

Bên cạnh đó, đồng Real hồi phục trong khi đồng USD suy yếu đã giúp cho giá cà phê phục hồi. 

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/7 giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9 và tháng 11/2020 tăng 14,3% và 13,8% so với ngày 30/6, lên mức 1.346 USD/tấn và 1.361 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/7 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9 và tháng 12 tăng lần lượt 10,2% và 10,5% so với ngày 30/6, lên mức 110,35 Uscent/lb và 113,25 Uscent/lb.

Ở thị trường cà phê trong nước, theo Bộ NN&PTNT, giá cà phê biến động tăng cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 6, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.400 – 1.600 đồng/kg lên mức 32.300 – 32.700 đồng/kg. 

Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Giá cà phê robusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh tăng 270 USD/tấn lên 1.537 USD/tấn. 

Nhìn chung trong 2 quý đầu năm 2020, xu hướng giảm giá là chủ đạo. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê trong nước đã tăng 500 – 700 đồng/kg sau chuỗi thời gian dài giá thấp ảm đạm. 

Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong thời gian tới, nguồn cung cà phê trong nước hạn chế cùng với tình trạng thiếu nước tại khu vực Tây Nguyên khiến sản lượng thấp sẽ thúc đẩy giá nội địa tăng lên. 

Đối với thị trường thế giới, trong tháng 7, đồng Real vẫn đang có lợi cho người bán khiến cho người trồng cà phê đẩy mạnh hoạt động bán hàng. 

Điều này có thể sẽ gia tăng sức ép bán ra trong quý III/2020. Tuy khối lượng bán ra tăng nhưng giá dự báo vẫn giữ ở mức ổn định do làn sóng Covid-19 đang lan rộng. Khả năng một vài thị trường buộc phải đóng cửa cách ly xã hội trở lại là điều khó tránh khỏi.  

Liên minh Châu Âu được dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 2 triệu bao đạt mức 49,5 triệu bao cà phê, chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới. Những nhà cung cấp cà phê lớn nhất của EU là Brazil (chiếm 29%), Việt Nam (23%), Colombia (7%), Honduras (6%) .

                                                                                                                                                                         (Vietnambiz.vn)





11111111111111