Giá cà phê biến động thất thường: Covid-19 và những yếu tố cơ bản của thị trường

19/06/2020

Trong ba tháng qua, giá cà phê đã trải qua nhiều đột biến và biến động cao. Điều này trái ngược với giá thị trường thế giới của các loại thực phẩm chính vẫn tương đối ổn định. Ban đầu các chuyên gia cho rằng sự bất ổn của giá cà phê là do sự không chắc chắn của phía cung và thắt chặt thị trường, đại dịch covid-19 dường như đã làm trầm trọng thêm biến động giá cà phê. Coronavirus mới tạo một cú sốc cung và cầu chưa từng có đối với ngành cà phê toàn cầu, tạo ra thách thức to lớn đối với người trồng cà phê, công nhân làm thuê ở trang trại và các tác nhân chuỗi giá trị ở hạ nguồn. Những tác động khác nhau của cung, cầu sẽ cảm nhận được tại các thời điểm khác nhau góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường toàn cầu và sự biến động giá cả đang diễn ra. Đại dịch có thể cũng có tác động lớn đến nghèo đói và mất an ninh lương thực đối với 25 triệu hộ sản xuất cà phê trên thế giới, hầu hết là những hộ sản xuất nhỏ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, không được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở quy mô lớn.

Diễn biến gần đây và sự biến động cao của giá cà phê

Chỉ số giá tổng hợp ICO, là trung bình có trọng số của tất cả các nguồn gốc và loại cà phê chính, cho thấy xu hướng biến động nhưng tăng lên kể từ tháng Hai. Sau khi tăng 6,9% so với tháng trước trong tháng 3 (trung bình 109,05 cent Mỹ / pound), chỉ số giá tổng hợp trung bình đạt 108,91 cent Mỹ / pound trong tháng 4 - mức trung bình hàng tháng cao nhất trong niên vụ 2019/20 và cao hơn 15,3% so với một năm trước. Những thay đổi về giá giao ngay được thúc đẩy chủ yếu bởi cà phê Arabica, đại diện cho khoảng 60% cà phê được giao dịch toàn cầu và có nhiều lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung (kết hợp với sự không chắc chắn về nhu cầu đang diễn ra) so với Robustas. Ví dụ, giá của Colombia Milds, tăng 8,6% trong tháng 3 và 1,8% trong tháng 4, trung bình 161,92 cent Mỹ / pound. Other Milds và Brazil Naturals cho thấy xu hướng khá giống nhau, trong khi giá Robusta giảm 0,9% trong tháng 3 và 5,2% trong tháng 4, trung bình 63,97 cent Mỹ / pound (xem Báo cáo Thị trường cà phê ICO).

 

Giá tương lai (kỳ hạn) cũng diễn biến theo mô hình tương tự. Giá tương lai Arabica gần nhất đến ngày đáo hạn tại thị trường New York đã tăng 10,8% trong tháng 3 và giảm nhẹ 1,2% trong tháng 4, trung bình 113,61 cent Mỹ / pound, trong khi giá tương lai trung bình của Robustas vị thế thứ 2 và 3 tại thị trường London giảm 2,8% trong tháng 3 và 5,2% trong tháng 4, trung bình 54,4 cent Mỹ / pound.

Vào ngày 15 tháng 5, giá giao ngay (ICO Composite) vẫn ở mức 104,5 US cent / pound và giá tương lai (Arabica) 106,85 US cent / pound.

 

Về biến động hàng ngày, Chỉ số tổng hợp ICO dao động trong khoảng 103,22 đến 117,41 US cent / pound trong hai tháng qua (giữa 149,17 - 172,56 US cent / pound trong trường hợp Colombia Milds và 60,78-68,9 US cent / pound trong trường hợp Robustas), trong khi giá tương lai của Arabica dao động trong khoảng 102,6 - 129,95 US cent / pound (trong khoảng 51,35-60,71 US cent / pound trong trường hợp Robustas tương lai). Giá cà phê biến động cao tới mức cờ đỏ trên Hệ thống cảnh báo sớm biến đổi giá thực phẩm quá mức, được duy trì bởi Cổng thông tin an ninh lương thực của IFPRI, trong đó xác định các giai đoạn biến động giá bất thường ở các thị trường hàng hóa khác nhau (tức là biến động giá vượt quá mức khung giá ước tính thiết lập trước). Đến ngày 15 tháng 5, giá cà phê tương lai (Arabica) cho thấy 83 ngày liên tiếp biến động quá mức hoặc trung bình, trong khi giá giao ngay (ICO Composite) cho thấy 73 ngày liên tục biến động quá mức hoặc trung bình.

 

Covid-19 tác động đến giá cà phê: cú sốc kép cung và cầu với các tác động khác nhau theo thời gian

Đầu năm 2020, giá cà phê cao hơn và biến động hơn dường như xuất phát từ triển vọng thu hoạch kém ở một số nước sản xuất (ví dụ, thời tiết xấu ở Brazil) tại thời điểm khi hàng tồn kho thấp theo mùa. Covid-19 dường như đang duy trì và làm trầm trọng thêm những biến động giá này (đặc biệt đối với cà phê Arabica) từ cả phía cung và cầu.

Kể từ khi dịch bệnh covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào giữa tháng 3, virus này đã lan sang hầu như tất cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu cà phê. Điều này đã dẫn đến cú sốc toàn cầu. Trong khi đại dịch có khả năng ảnh hưởng đến tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị cà phê ở mức độ nhiều hoặc ít - từ các hoạt động tại trang trại (trồng và thu hoạch cà phê), chế biến sau thu hoạch, hậu cần trong nước và quốc tế cho đến nhu cầu trung gian và cuối cùng - thì các tác động cụ thể đến thị trường khu vực và địa phương sẽ được cảm nhận tại các thời điểm khác nhau. Các tác động tổng thể cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sự tương tác giữa nhiều yếu tố cung và cầu, cách các tác nhân thị trường dự đoán và ứng phó với chúng, khả năng phát hiện và dung nạp virus của từng quốc gia khi tiến tới mùa thu hoạch là khi nhu cầu lao động đạt đỉnh.

 

Các yếu tố chính thúc đẩy sự biến động cao của giá cà phê

Để xác định các yếu tố chính của cung và cầu qua đó covid-19 dường như góp phần vào sự biến động của thị trường cà phê, chúng tôi dựa trên assessment of channels of transmission into food and agriculture (đánh giá các kênh truyền vào thực phẩm và nông nghiệp) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc và dựa trên các con đường tác động được Ngân hàng Thế giới xác định trong evaluation of the 2014 Ebola outbreak in West-African countries (đánh giá dịch Ebola 2014 ở các nước Tây Phi).

1. Các yếu tố về phía cung

Chúng tôi khảo sát các tác động từ phía cung (ở các mức độ khác nhau) trong chuỗi giá trị hạ nguồn, bao gồm cả vận chuyển quốc tế và nội tệ mất giá. Tác động trong chuỗi giá trị thượng nguồn có thể sẽ xảy ra chủ yếu khi nhiều quốc gia bước vào mùa thu hoạch trong những tháng tới.

 

Chuỗi giá trị hạ nguồn

Nhiễm Covid-19 đã có tác động trực tiếp đến hoạt động của cơ sở hạ tầng xuất khẩu quan trọng, như nhà kho và cảng, cũng như các tác động gián tiếp do dãn cách xã hội và các biện pháp khác do chính phủ áp đặt để ngăn chặn virus. Những điều này đã dẫn đến sự gián đoạn và chậm trễ, do đó làm tăng chi phí giao dịch và thương mại. Trên khắp các quốc gia sản xuất cà phê, các doanh nghiệp đã báo cáo rằng chế biến sau thu hoạch và vận chuyển sản phẩm đến bến cảng để xuất khẩu phải chịu sự chậm trễ (Bảng 1 cung cấp một số bằng chứng phản ánh nhanh về sự gián đoạn). Ví dụ, ở một số cảng, các biện pháp dãn cách xã hội yêu cầu tại một thời điểm chỉ một người tiếp cận một container để tải bao hàng vào container, dẫn đến mật độ bao hàng thấp hơn và do đó, số lượng bao trên mỗi container ít hơn. Ngoài ra, nhiều cảng và cơ quan hải quan làm việc với số nhân viên giảm. Các quốc gia sâu trong lục địa không có cảng biển (ví dụ: Rwanda, Uganda, Burundi) bị chậm trễ khi xe tải phải đi qua biên giới của các nước láng giềng có đường biển. Mặc dù cà phê nhân ít dễ hỏng hơn trái cây và rau quả, sự chậm trễ và sự kìm hãm dọc theo chuỗi cung ứng vẫn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cà phê và do đó ảnh hưởng giá cả. Ngoài ra, những sự chậm trễ này còn cản trở việc thực hiện hợp đồng kịp thời.

 

Vận chuyển quốc tế

Vào tháng 2, trước khi coronavirus mới phát tán vượt ra ngoài tâm dịch ban đầu ở Trung Quốc, những đơn vị tham gia thị trường đã báo cáo việc giảm diện tích container khi Trung Quốc giảm xuất khẩu. Cho đến nay, tác động của đại dịch đối với các hoạt động vận chuyển dường như không đáng kể. Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 đạt 11,06 triệu bao, thấp hơn 3,7% so với tổng số bao được vận chuyển vào tháng 3 năm 2019. Một số nước xuất khẩu hàng đầu đã báo cáo vận chuyển giảm đáng kể, bao gồm Colombia (20%), Ấn Độ (10%) và Honduras (7%), nhưng những nước khác cho thấy ít sụt giảm hơn, chẳng hạn như Guatemala (4%) và Việt Nam (2%). Vận chuyển giảm này không phải hoàn toàn do covid-19 và sự gián đoạn trong hậu cần quốc tế, mà còn do các yếu tố khác như lượng cà phê sẵn có từ vụ thu hoạch trước để xuất khẩu và tồn kho hiện tại thấp hơn.

 

Sự mất giá của đồng nội tệ

Đồng nội tệ của một số quốc gia sản xuất cà phê đã mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ là đồng tiền giao dịch quốc tế của cà phê. Ví dụ, trong quý đầu tiên của năm 2020, đồng real của Brazil đã mất giá khoảng 15% so với đồng đô la Mỹ. Mối tương quan giữa giá cà phê quốc tế và các biến động của đồng real Brazil đã được ghi nhận trước đây. Nông dân và các nhà xuất khẩu ở các quốc gia đồng nội tệ bị mất giá có xu hướng trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới do cú sốc từ bên ngoài này. Tuy nhiên, vẫn còn phải quan sát xem liệu những người nông dân này có thực sự được hưởng lợi với giá tại trang trại cao hơn hay không. Nếu chuỗi cung ứng trong nước bị gián đoạn nghiêm trọng, làm tăng chi phí lao động và chi phí thương mại cũng như tăng chi phí của các đầu vào trung gian nhập khẩu thì có thể làm giảm lợi nhuận ban đầu từ mất giá tiền tệ.

Tổng quát hơn, các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng sự thay đổi giá cả và sự biến động ở thị trường nông sản quốc tế không nhất thiết phải truyền đến tất cả các thị trường trong nước và địa phương ở các nước đang phát triển. Ví dụ, trong trường hợp cà phê ở Ethiopia, có tương quan thấp giữa biến động giá quốc tế và giá tại trang trại.

 

Chuỗi giá trị thượng nguồn (cấp độ trang trại)

Tiếp cận lao động thời vụ và di cư là rất quan trọng trong nhiều hệ thống sản xuất cà phê. Ngay cả ở Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, nơi thu hoạch cơ giới phổ biến hơn, một số cà phê Arabica và toàn bộ Robusta vẫn còn được hái bằng tay.

Sự lây lan của virus có thể làm giảm nguồn cung lao động do các biện pháp ngăn chặn và đóng cửa xã hội và ở mức độ thấp hơn là do bệnh tật. Kinh nghiệm từ các dịch bệnh trước đây (ví dụ, dịch Ebola) đã chỉ ra rằng tác động gián tiếp của các chiến lược phòng tránh là có ý nghĩa quan trọng hơn do phần lớn lực lượng lao động đã ở nhà. Các biện pháp dãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến sự di chuyển nội bộ của lao động thời vụ ở Brazil. Đi lại xuyên biên giới ở Trung và Nam Mỹ cũng chịu những hạn chế tương tự.

Ít người hái cà phê trên vườn có thể làm chậm thu hoạch hoặc thời gian thu hoạch kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và giá trả cho người sản xuất. Việc giảm cung lao động cũng có thể làm tăng mức lương, do đó làm tăng chi phí lao động, tác động lớn đến lợi nhuận vì lao động chiếm hơn 50% tổng chi phí sản xuất.

Điều này đặt ra đe dọa tức thời đối với các quốc gia hiện đang hoặc bước vào mùa thu hoạch như Brazil, Colombia, Ecuador, Indonesia và Peru. Liên đoàn những người trồng cà phê quốc gia Colombia đã ghi nhận sụt giảm 28% trong vụ thu hoạch tháng 4, so với cùng tháng của năm trước. Thu hoạch sẽ bắt đầu ở một nhóm các nước sản xuất nhỏ khác vào tháng Bảy. Hơn một nửa các nước sản xuất bắt đầu thu hoạch trong quý cuối cùng của năm, tuy nhiên, tại thời điểm đó, đỉnh điểm ban đầu của đại dịch dự kiến sẽ kết thúc.

Ngoài việc giảm khả năng tiếp cận lao động, đại dịch covid-19 có thể hạn chế người trồng cà phê tiếp cận tín dụng. Lãi suất cho các khoản tín dụng mới gần đây đã tăng ở các nước thu nhập thấp. Điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và hạn chế tiếp cận tín dụng, nông dân giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, do đó ảnh hưởng đến sản lượng (và giá cả). Trong một số trường hợp, nông dân có thể hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư dài hạn vào việc trồng lại cây cà phê.

Cuối cùng, các biện pháp dãn cách xã hội sẽ hạn chế sự tiếp cận của nông dân với các dịch vụ khuyến nông cũng như hỗ trợ kỹ thuật của bên mua cà phê (thương nhân và nhà rang xay), của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ (NGO), vì các chuyến thăm thực địa tạm thời bị đình chỉ ở nhiều quốc gia.

2. Các yếu tố về phía cầu

Thị trường cà phê đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu trong những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng covid-19. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu thể hiện ở doanh số siêu thị cao hơn do đổ xô mua và dự trữ trong trạng thái hoảng loạn, và thay thế tiêu dùng ngoài nhà bằng tiêu dùng tại nhà khi đối mặt với các biện pháp dãn cách xã hội.

Trong những tháng tới, với dự báo tăng trưởng âm trên toàn thế giới trong năm 2020, suy thoái toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ cà phê nói chung. Thất nghiệp gia tăng và thu nhập hộ gia đình thấp hơn có thể sẽ khiến người tiêu dùng nhạy cảm hơn về giá. Điều này có thể dẫn đến giảm doanh số trong phân khúc thị trường cao cấp (bao gồm cà phê đặc sản và một số loại cà phê bền vững được chứng nhận) khi nhu cầu của người tiêu dùng chuyển sang phân khúc thị trường rẻ hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm như cà phê có xu hướng tương đối ít co giãn và các ảnh hưởng của phía cầu có thể xảy ra với độ trễ về thời gian tùy thuộc vào mức độ tiết kiệm của hộ gia đình và mạng lưới an sinh xã hội.

3. Khả năng đầu cơ

Bên cạnh các yếu tố cung và cầu, các yếu tố không cơ bản như đầu cơ cũng có khả năng làm trầm trọng thêm biến động giá cà phê. Giống như các mặt hàng nông sản khác, thị trường tương lai cà phê có thể trở thành tài chính hóa. Như đã thấy trong cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-08, những biến động đột ngột của giá cà phê trong đại dịch covid-19 có thể thu hút các nhà đầu cơ (là các thương nhân phi thương mại). Nghiên cứu trước đây đã ghi nhận các tác động nhân quả giữa các hoạt động của các thương nhân phi thương mại trên thị trường cà phê tương lai ở New York (Arabica) và London (Robusta) với giá giao ngay. Tuy nhiên, đây là ảnh hưởng ngắn hạn và xảy ra cả trong thời kỳ giá giảm cũng như giá tăng; về lâu dài, các yếu tố cơ bản thị trường đã được chứng minh là chiếm ưu thế. Nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá mối liên hệ giữa đầu cơ tiềm năng và biến động giá cả trên thị trường cà phê, cũng như mọi tác động tiếp theo dọc theo chuỗi giá trị.

 

Nhìn về tương lai

Đại dịch covid-19 gây cú sốc cung-cầu nghiêm trọng đối với ngành cà phê toàn cầu. Cú sốc này dường như đã góp phần làm cho giá cà phê biến động mạnh thêm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch sẽ tiếp tục xảy ra ở những nơi khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách nên nhận ra điều này để chuẩn bị cho các phản ứng hiệu quả.

Thời điểm của các biện pháp của bên cung phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu mùa thu hoạch, bắt đầu vào tháng 10 tại hơn một nửa số quốc gia sản xuất cà phê. Các can thiệp cụ thể có thể được thử nghiệm thực địa ở các quốc gia hiện đang thu hoạch (hoặc sắp vào thu hoạch); sau đó các chương trình thành công có thể được mở rộng áp dụng sang các quốc gia khác bắt đầu thu hoạch vào cuối năm nay. Tương tự, nếu các ảnh hưởng lớn của phía cầu xảy ra thì sẽ có độ trễ, phụ thuộc vào mức độ của các biện pháp dãn cách xã hội và mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế toàn cầu (và các kịch bản phục hồi), vẫn còn một khuôn khổ thời gian để đưa ra và thực hiện các hành động cụ thể.





11111111111111