Giá cà phê Tây Nguyên giảm kỷ lục, tỷ phú biến thành... con nợ

22/05/2019

Nhờ cây cà phê, những năm trước đã có nhiều nông dân Tây Nguyên trở thành tỷ phú. Nhưng giờ đây, do giá cà phê giảm mạnh liên tiếp, xuống dưới giá thành, khiến người trồng thua lỗ, lâm cảnh nợ nần. Không thu được lợi nhuận, nhiều hộ bỏ bê chăm sóc khiến vườn cà phê héo rũ, chết dần chết mòn.

Mắc nợ vì giá cà phê thấp kỷ lục

Tại tỉnh Lâm Đồng, hiện giá cà phê robusta nhân chỉ còn ở mức 29.700 đồng/kg. Còn tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, giá cà phê cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ dao động từ 30.200 - 30.300 đồng/kg (giá tham khảo ngày 20/5).

Nông dân tỉnh Gia Lai thu hoạch cà phê trong bối cảnh giá giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Ảnh: I.T

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.740 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Dự báo, giá cà phê thế giới và trong nước ngắn hạn sẽ khó tăng do nguồn cung thế giới vẫn đang dư thừa ở mức cao.

Tình trạng giá cà phê liên tục đi xuống đã kéo dài suốt từ cuối năm 2018 đến nay. Nhiều hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn, bởi tiền bán cà phê không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc, thu hái, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt vật tư thiết yếu đầu vào của ngành cà phê như điện, xăng, dầu, phân bón tăng mạnh.

Nông dân Nguyễn Thị Thanh (ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình bà có hơn 2ha cà phê. Chi phí trung bình cho mỗi ha khoảng 25-30 triệu đồng tiền phân bón, khoảng 3-5 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê người thu hái khoảng 1.000 đồng/kg cà phê tươi, đó là chưa tính tiền xăng dầu bơm nước tưới, vận chuyển, tiền điện, công chăm sóc...

Tính ra chi phí cho 1kg cà phê nhân khoảng 35.000 đồng. Với mỗi ha cà phê, trung bình người trồng thu được từ 3,5 - 4 tấn nhân. Năm 2018, giá cà phê nhân dao động ở mức từ 37.000 - 40.000 đồng/kg nên bà con nông dân còn có lãi, nhưng với giá xuống thấp kỷ lục như năm nay, hộ nào cũng cầm chắc lỗ cả chục triệu đồng/ha.

Ông Đào Ngọc Quý - nông dân có thâm niên trồng cà phê lâu năm ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk) buồn rầu nói: Gắn bó với cây cà phê gần 17 năm, chưa bao giờ tôi thấy giá rớt thê thảm như hiện nay. Nhà tôi có 2ha cà phê, chưa giàu sang nhưng cũng có của ăn của để. Ba năm trở lại đây, vì ôm lấy vườn cà phê mà kinh tế sụt dần, rồi lâm cảnh nợ nần.

"Gắn bó với cây cà phê gần 17 năm, chưa bao giờ tôi thấy giá rớt thê thảm như hiện nay. Nhà tôi có 2ha cà phê, chưa giàu sang nhưng cũng là có của ăn của để. Ba năm trở lại đây, vì ôm lấy vườn cà phê mà kinh tế sụt dần, rồi lâm cảnh nợ nần”. Ông Đào Ngọc Quý

Ông Quý cho biết, vụ vừa rồi gia đình ông thu được 4 tấn cà phê nhân, bán xong chỉ được xấp xỉ 130 triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ bù đắp đầu tư phân bón, công tưới, thu hái… “Vụ này tôi không có tiền đầu tư chăm sóc lại, cây nào năng suất kém tôi chặt bỏ luôn để lấy đất trồng rau” - ông Quý nói.

Hiện, vườn cà phê của gia đình ông Quý chỉ còn 1,1ha, còn lại ông trồng mít, bơ và rau để lấy ngắn nuôi dài.

Không riêng gì gia đình ông Quý giảm diện tích trồng cà phê mà hiện nay, nhiều vườn cà phê trên địa bàn xã Quảng Tiến cũng đang bị người dân bỏ bê, giảm chăm sóc. Nhiều hộ còn nhổ bỏ cả cây cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả.

Quảng Tiến là xã có diện tích cà phê lớn nhất trên địa bàn huyện Cư M’gar, với 1.750ha. Trong đó, 700ha đã già cỗi, năng suất thấp. Chủ nhân của những vườn cây này, năm được giá thì còn cầm cự được, nhưng 3 năm nay giá tụt, ai cũng thua lỗ nặng nề. Hiện nay có tới 90% người trồng cà phê trên địa bàn đã “cắm” sổ đỏ ở ngân hàng. Do đó, việc vay được nguồn vốn cho tái canh vườn cà phê đang là chuyện ngoài tầm với.

Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chỉ cho biết: Huyện có hơn 37.000ha cà phê kinh doanh. Dù giá cà phê có biến động thì xã vẫn quyết tâm vận động người dân giữ ổn định diện tích ở mức 30.000ha. Nhưng lấy gì đảm bảo cho việc giữ được diện tích vườn cây, đó là chưa nói đến giải quyết nguồn vốn để nông dân thực hiện việc tái canh bảo đảm chất lượng, năng suất...

Niên vụ 2018 - 2019 ngành cà phê càng gặp khó khăn hơn khi giá điện và giá xăng dầu đều tăng. Ảnh minh hoạ: I.T

Ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu

Do giá cà phê liên tục giảm xuống dưới giá thành nên nhiều nông dân đã quyết định trữ cà phê lại, không tiếp tục bán ra thị trường nhằm đợi giá hồi phục. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới xuất khẩu khi sản lượng cà phê xuất khẩu từ đầu năm đến nay.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu cà phê tháng 4/2019 ước đạt 141.000 tấn với giá trị đạt 236 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 629.000 tấn và 1,1 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Điều đáng nói là giá cà phê năm 2018 đã được xem là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, nghĩa là khi giá năm nay tiếp tục giảm, từ nông dân trồng cà phê đến các đại lí, doanh nghiệp đều không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Áp lực đối với ngành cà phê càng tăng cao hơn khi chi phí cho việc tưới nước ước tính đã tăng hơn mùa vụ năm 2018 là 20% (bởi giá xăng dầu và điện đều tăng).

Nhằm hạn chế rủi ro cho người trồng cà phê, thời gian qua, một số tỉnh Tây Nguyên đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích; tăng cường xen canh cây cà phê với một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bơ, măng cụt, chanh leo, cây có múi; tích cực chăm sóc diện tích cà phê tái canh, tuyệt đối không bỏ bê vườn khiến cây héo rũ, chết dần...; nâng cao chất lượng thu hái, bảo quản và chế biến nhằm gia tăng chất lượng và giá trị cà phê nhân.

Mạnh Hùng - Thiên Hương (Dân Việt)





11111111111111