Giá tiêu thế giới ổn định, giá tiêu trong nước xuống thấp kỷ lục
(23/03) – Giá tiêu giảm do nguồn cung dồi dào cùng với việc thiếu nhân công thu hái đã góp phần kéo giá tiêu ngay trong mùa thu hoạch rơi xuống chạm đáy.
Nông dân trồng hồ tiêu ở huyện Cư Kuin, Đăk Lăk vào mùa thu hoạch
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã ước báo năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh, có thể lên tới 30% do thời tiết không thuận lợi và nhiều diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh các loại làm mất trắng hoặc cho thu hoạch không đáng kể.
Năng suất giảm, giá xuống thấp kỷ lục không chỉ khiến cho chủ vườn chán nản mà nhân công thu hái cũng xuất hiện tâm lý uể oải, tiêu cực khi nhìn thấy hiệu quả ngày công thấp nên đã tìm kiếm việc làm khác để có hứng thú lao động hơn. Vào lúc này, tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm ở Tây nguyên, để thu hút và động viên nhân công, chủ vườn đã áp dụng biện pháp ăn chia sản phẩm thu hoạch thay vì trả tiền lương. Khá phổ biến là mức ăn chia giữa chủ vườn và công hái lên tới 50/50.
Một Thương nhân địa phương cho biết, nếu các năm trước chủ vườn chỉ cần bán một lượng nhỏ hạt tiêu là đủ để thanh toán tiền công hái thì năm nay phải bán nhiều hơn gấp hai ba lần. Người dân hái tiêu cũng không có nhu cầu cất trữ nên số tiêu được chia cũng được họ bán ngay. Không chỉ vì thế nguồn cung hạt tiêu trong nước đã tăng mạnh làm giá tiêu rớt thảm mà còn một lượng hạt tiêu không nhỏ từ Campuchia được các nhà kinh doanh xuất khẩu ở phía Nam mua qua đường biên mậu cũng góp phần làm giá tiêu trong nước giảm sâu.
Tuy nhiên, hiện tượng ăn chia nói trên chỉ xảy ra phổ biến ở những vườn tiêu có diện tích nhỏ, năng suất thấp, ít chăm bón, trồng theo phong trào. Còn những vườn tiêu có diện tích lớn, chủ vườn có tiềm lực tài chính, được đầu tư cẩn thận vẫn tương đối ổn định. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo sản lượng vụ tiêu năm nay sẽ trong khoảng 180.000 – 200.000 tấn và cho biết giới thương mại không vội mua tiêu như mọi năm nên sức ép nguồn cung tiếp tục làm giá giảm sâu hơn.
Báo cáo thị trường của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) tuần vừa qua cho thấy hầu hết giá chào bán tiêu đen xuất khẩu ở các nước sản xuất tiêu tương đối ổn định trong khi giá tiêu trắng giảm nhẹ.
Tại Ấn Độ, hôm qua giá tiêu giao ngay tăng nhẹ 100 Rupi lên 38.000 Rupi/tạ (tương đương 5.828 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 40.000 Rupi/tạ (tương đương 6.134 USD/tấn) cho loại tiêu đã sơ chế.
Trong khi giá tiêu trên sàn NCDEX – Kochi giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng Tư giảm 55 Rupi, xuống ở 40.190 Rupi/tạ và giao tháng Năm giảm 50 Rupi xuống mức 40.410 Rupi/tạ (tương đương 6.164 USD/tấn và 6.197 USD/tấn).
Theo các nguồn tin thị trường, tiêu Việt Nam xuất khẩu vẫn chào bán với giá ổn định, trong khi thị trường nội địa đã xuất hiện lực mua đầu cơ nhỏ lẽ cũng góp phần giúp đà giảm chững lại.
Sáng nay thứ Sáu ngày 23/03, giá tiêu xô ở khu vực Tây nguyên vẫn dao động trong khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, không thay đổi so với hôm qua, giá tiêu xô tại Bà Rịa – Vũng tàu tăng nhẹ 1.000 đồng lên ở mức 54.000 đồng/kg.
Dự kiến giá tiêu trong nước sẽ ổn định qua tới đầu tuần sau.
*Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 3/2018 đạt 11.892 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 43,75 triệu USD, giảm 12,82 % về lượng và giảm 46,78 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.679 USD/tấn, giảm 1,34 % so với giá xuất khẩu bình quân tháng 2/2018.
*Tỷ giá : 1 USD = 65,2056 Rupi.
Anh Văn