Mỹ rời khỏi ICO, giá cà phê trong nước lấy lại mốc 37 triệu đồng/tấn
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 đồng/kg, lên dao động trong khoảng 36,5 – 37,1 triệu đồng/tấn, mức cao gần 2 tuần qua.
Biểu đồ Robusta London T5/2018 ngày 03/04/2018
Kết thúc phiên giao dịch chiều tối qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 14 USD, tức tăng 0,81% lên mức 1.739 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 9 USD, tức tăng 0,51% lên mức 1.759 USD/tấn, các mức tăng nhẹ.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 0,2 cent, tức tăng 0,17% lên mức 116,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,15 cent, tức tăng 0,13% lên 118,65 cent/lb, các mức tăng khá nhẹ.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.639 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 115 – 120 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Giá cà phê trong nước đã để tuột khỏi mốc 37 triệu đồng/tấn ngay trước thềm phiên họp chính sách tháng Ba của Fed với dự kiến nâng lãi suất USD thêm 0,25% kéo theo sự suy giảm của hầu hết các thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, giá cà phê đã bật tăng trở lại 2 ngày sau đó nhưng cũng không giữ vững được trước ức ép vụ mùa mới sắp thu hoạch ở Brasil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu với sản lượng chiếm tới hơn 1/3 tổng sản lượng của toàn cầu. Và chính điều này đã thúc đẩy giới đầu cơ gia tăng lượng bán ròng trên sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế lên mức kỷ lục làm giá càng giảm sâu hơn.
Hầu hết nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới đều lên tiếng yêu cầu có sự hỗ trợ từ phía nhà nước mình và nông dân Brasil cũng không ngoại lệ.
Hội đồng Tiền tệ Quốc gia Brasil đã thông qua gói tín dụng lên tới hơn 4 tỷ Reais (khoảng 1,25 tỷ USD) để hỗ trợ cho ngành cà phê nước mình trước cơn bão giá, không chỉ trên các thị trường cà phê quốc tế mà còn cả tác động từ sự căng thẳng thương mại của hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới. Có lẽ điều này đã giúp người Brasil giảm bán hàng giao sau và các quỹ đầu cơ cũng giảm vị thế mua ròng trên thị trường kỳ hạn New York.
Tính đến thứ Ba ngày 27/03, các quỹ đầu cơ tại New York chỉ tăng thêm 21 lô, nâng lượng mua ròng lên 59.589 lô. Tuy sự gia tăng không đáng kể nhưng cũng chứng tỏ sức bán ròng của đầu cơ trên sàn này đã giảm bớt so với tuần thương mại trước đó. Điều này tuy chưa thể khẳng định “gió” sắp đảo chiều nhưng cũng cho thấy khả năng giá cà phê kỳ hạn sụt giảm thêm đã có dấu hiệu chùng lại. Trong cùng thời gian, đầu cơ bán ròng đã giảm 2.992 lô, xuống còn 55.978 lô, cho thấy sức ép ít nhiều cũng giảm bớt.
Một chuyên gia kỳ cựu về các thị trường kỳ hạn ở Phố Uôn cho rằng nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì không loại trừ khả năng giá cà phê Arabica sẽ giảm sâu hơn. Và những điều trên đã đủ để thị trường New York giảm bớt sức kéo London theo sau, trong khi sàn kỳ hạn Robustanày vẫn còn sự tích cực hơn do nguồn cung Việt Nam đang chi phối thị trường toàn cầu hiện hành, trong khi Indonesia đã chào bán hàng vụ mới nhưng vẫn chưa thể hiện mức giá cạnh tranh.
Ngoài ra, thông tin Mỹ quyết định rời khỏi thành viên của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã được chính thức đưa ra. Trước mắt, thị trường chưa thể xác định tác động từ thông tin này nhưng dù sao Mỹ vẫn là quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu và đang nắm trong tay 2 sàn cà phê kỳ hạn chủ chốt của thế giới.
Viện Cà phê Quốc gia Honduras báo cáo xuất khẩu cà phê niên vụ 2017/2018 có thể không đạt mục tiêu 7,7 triệu bao do sản lượng sụt giảm đáng kể vì thời tiết bất lợi trong mùa thu hoạch và sâu bệnh, nhất là bệnh nấm gỉ sắt lá quá nhiều. Tuy nhiên thị trường chưa ghi nhận sự suy giảm tương tự ở các nước láng giềng khu vực Trung Mỹ.
Giao dịch cà phê tại thị trường Tây nguyên hầu như chưa có biến chuyển gì đáng kể. Phần lớn các đại lý đã chuyển sang mua bán hạt tiêu do đang mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay. Nhiều nhà nông vẫn còn tâm lý chờ giá cà phê tăng thêm một chút nữa mới tính chuyện bán hàng ra.
Anh Văn