Nghịch lý thị trường nội địa Nghịch lý thị trường nội địa
“Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ Brasil, Trung Quốc...”, “tỏi organic nhập khẩu có giá 100.000 đồng/củ, được khách hàng rất ưa chuộng”... Những thông tin rời rạc xuất hiện trên báo chí trong thời gian vừa qua, mới nghe tưởng chẳng có gì liên quan nhưng lại cùng thể hiện một nghịch lý của thị trường thực phẩm Việt Nam: của ngon đem bán nước ngoài còn thị trường nội địa thì để nước ngoài khai thác.
Những loại cà phê ngon nhất đều được các doanh nghiệp đem xuất khẩu, còn người dân trong nước muốn uống một ly cà phê ngon lại thật khó khăn. Ảnh: Minh Duy.
Ví dụ như thông tin nhập khẩu cà phê. Đó là một điều không bình thường với một nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, tới 1,8 triệu tấn cà phê nhân (năm 2017) như Việt Nam. Thực tế diễn ra bao nhiêu năm qua là những loại cà phê ngon nhất, đạt chất lượng nhất, đều được các doanh nghiệp, phần nhiều trong đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đem xuất khẩu dưới dạng thô, không thương hiệu. Còn ở trong nước, người dân có mức tiêu thụ ước tính 2,6 ki lô gam/năm, muốn uống một ly cà phê ngon lại thật khó khăn. Một số chấp nhận bỏ nhiều tiền để tìm đến quán của (không nhiều) những ông chủ có đất trồng cà phê, muốn làm cà phê thật cho người yêu cà phê. Đông hơn một chút vào các chuỗi cà phê nước ngoài, giá cũng không rẻ. Phần còn lại, chiếm phần lớn, hàng ngày vẫn uống cà phê trộn phụ gia, hương liệu, thậm chí là hóa chất nhưng cho cảm giác sánh, đậm.
Và không chỉ cà phê. Những loại thủy hải sản ngon nhất (như cá ngừ đại dương, tôm sú rừng ngập mặn Cà Mau...), những loại trái cây, rau củ, gạo đặc sản, trồng hữu cơ... đều tìm đường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp khi có sản phẩm mới cũng nhìn ngay hoặc ưu tiên cho thị trường xuất khẩu, không phải là nội địa.
Làm hàng xuất khẩu hay bán trong thị trường nội địa hay cả hai là quyền quyết định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cà phê thích xuất khẩu thô vì đơn giản, thu hồi vốn nhanh, nhu cầu thị trường rất lớn, nên thờ ơ với thị trường cà phê chế biến. Doanh nghiệp trái cây, rau củ thích xuất khẩu vì đó là thị trường đem lại biên lợi nhuận cao. Có doanh nghiệp xuất khẩu đơn giản chỉ vì thị trường trong nước đã “quá loạn”, không thể chen chân. Cũng có doanh nghiệp đồng thời làm hàng cho thị trường trong nước nhưng yêu cầu về lao động hay về nguyên liệu đầu vào lại thấp hơn hàng xuất khẩu. Thế mới có chuyện, công nhân ở xưởng hàng nội địa bị thương ở tay vẫn đi làm bình thường còn xưởng xuất khẩu thì không.
Nhưng hệ lụy từ sự lựa chọn này của doanh nghiệp thì lại đã, đang và còn tác động mạnh mẽ đến thị trường nội địa tới hơn 90 triệu dân và có mức thu nhập ngày càng cải thiện.
Vì doanh nghiệp trong nước bận chinh chiến, đánh bắt “xa bờ” nên thị trường nội địa trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác. Những tên tuổi lớn trên thị trường cà phê bột, rang xay đang là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến lớn cũng đổi chủ ngoại gần hết, chưa kể thống lĩnh cả chuỗi cung ứng là doanh nghiệp ngoại...
Hàng nhập khẩu đang tràn ngập thị trường, cả thượng vàng lẫn hạ cám, nhiều khi lẫn lộn nhau. Người nhiều tiền mua hàng “xịn”, năm bảy triệu đồng một ký nho, vài chục triệu đồng một con cua... Trong đó, có những loại, ở nước xuất khẩu, chỉ là hàng bình thường nhưng về Việt Nam “được” thổi giá vì mác ngoại. Người ít tiền hơn có thể bị lừa bởi táo Trung Quốc gắn mác Nhật Bản, Mỹ, New Zealand. Thực tế này không chỉ vì một bộ phận người tiêu dùng “sính ngoại” mà còn vì họ không có nhiều sự lựa chọn, vì vậy chấp nhận cả xác suất bị... lừa. Trước đó, trong một thời gian dài, sự thờ ơ hoặc phân biệt đối xử về tiêu chuẩn hàng hóa đã khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào hàng sản xuất trong nước.
Còn những doanh nghiệp Việt muốn quay về hoặc muốn bắt đầu bằng thị trường nội địa thì đang gặp lắm gian truân. Trong đó, phổ biến nhất là người tiêu dùng hiểu sai và đã bị làm hỏng khẩu vị (vì cà phê độn bắp, đậu nành hay trái cây sấy đã được tẩy trắng trước khi nhuộm màu đẹp và cho hương liệu...). Đáng sợ hơn là mất lòng tin. Chính vì vậy, nói như một chủ doanh nghiệp có 30 năm kinh doanh và cũng từng mải mê chinh chiến xuất khẩu, phải kiên trì và chịu thiệt để lấy lại thị trường trong nước. Việc đó, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc.
Khó nhưng chắc chắn, doanh nghiệp cần phải làm. Bởi, nói như một chuyên gia thị trường người Ấn Độ tại “Lễ hội sức khỏe và dinh dưỡng 2018” mới đây thì chỉ khi nào doanh nghiệp xây dựng và tự hào với thương hiệu “Made in Vietnam” thì mới có thể vững vàng bước ra thế giới (với giá trị gia tăng cao). Chỉ khi những tiêu chuẩn từ Việt Nam được thế giới công nhận thì cánh cửa tiếp cận thị trường toàn cầu mới rộng mở thực sự. Đó cũng là cách Việt Nam xóa đi định kiến “hàng giá rẻ, chất lượng thấp” mà nhiều thị trường lớn đã đánh giá lâu nay.
Bùi Tâm An (thesaigontimes)