Thị trường cà phê đã hết 'sợ’ Covid-19
Chỉ còn đúng một tháng nữa là niên vụ cà phê 2019-2020 chấm dứt. Dù đại dịch Covid-19 vẫn tạo nhiều lo toan cho nền kinh tế, thị trường cà phê hình như đã thoát khỏi sợ sệt. Không những thế giá cà phê còn tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Dù đại dịch Covid-19 vẫn tạo nhiều lo toan cho nền kinh tế, thị trường cà phê hình như đã thoát khỏi sợ sệt. Ảnh: AFP
Bứt phá ngoạn mục của hai sàn cà phê
Chỉ trong tháng 8-2020, hiệu suất đầu tư cà phê trên hai sàn cà phê phái sinh arabica New York và robusta London có bước nhảy đáng ngạc nhiên.
Lợi suất đầu tư tháng 8-2020 trên sàn arabica ghi nhận tăng 6,13%, chốt ngày giao dịch cuối tháng 8 tại 129.05 cts/lb. Cả tháng tăng 7.45 cts/lb (hay 164 đô la Mỹ/tấn).
Còn trên sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu – ai mua từ đầu tháng đến cuối tháng 8-2020 lời được 5%. Do giá đóng cửa phiên cuối đạt 1.429 đô la/tấn, tăng 68 đô la/tấn.
Nhờ đà tăng tốt trên cả hai sàn phái sinh, giá cà phê trong nước ngày 1-9 tại một số nơi ở Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của cả nước, lên chạm gần mức 34 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể đang đứng quanh mức 90 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB), cao hơn mức giá niêm yết sàn London.
Nếu lấy giá đóng cửa sàn London là 1.429 cộng với 90 đô la/tấn, giá xuất khẩu đạt 1.519 đô la/tấn FOB, tương đương với 35,1 triệu đồng/tấn. Chênh lệch chừng 1 triệu đồng/tấn giữa giá mua tại vùng nguyên liệu và giá giao hàng lên tàu nên hiểu là chi phí làm hàng và các khoản chi phí khác.
Giải mã đợt tăng giá
Nhiều người cho rằng đợt tăng giá cà phê vừa qua là nhờ Việt Nam giảm xuất khẩu trong tháng 8-2020. Tổng cục Hải quan ước tính tháng vừa qua, cả nước xuất khẩu chừng 99 ngàn tấn cà phê, trị giá 176,5 triệu đô la Mỹ, giảm 13,5% về lượng và 10,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Chưa cần nhìn từ phía cung-cầu, chỉ nhờ đồng đô la Mỹ rẻ với lượng tiền dồi dào, giá cà phê và một số hàng hóa thương phẩm có lực thanh khoản cao như vàng sẽ được tạo thêm động lực để cất cánh.
Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cần thật tỉnh táo, đừng đua nhau mua theo bầy đàn, vì giá có lúc đổ bất ngờ.
Tính cả tám tháng đầu năm 2020, Việt Nam ước tính xuất khẩu giảm 2% về lượng và 2,1% về giá trị, đạt 1,15 triệu tấn và 1,96 tỉ đô la. Nên nhớ Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta số 1 của thế giới.
“Đó là một lẽ, còn nhiều yếu tố khác tác động lên giá cà phê vừa qua chứ không chỉ do Việt Nam xuất khẩu giảm. Brazil và Uganda vừa qua đẩy mạnh xuất khẩu cà phê cùng chủng loại nên có thể bù cho hiện tượng thiếu hàng robusta, nếu thực tế có xảy ra”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM cho biết.
Thật vậy, lúc đầu, nhiều người nghĩ rằng do giãn cách xã hội, mức tiêu thụ cà phê toàn cầu chắc sẽ giảm. Tuy nhiên, điều ấy không đúng với cà phê robusta. Các hãng chế biến cà phê hòa tan như Nestlé (Thụy Sỹ), Folgers và Dunkin (Mỹ) đều cho biết doanh số bán hàng cà phê hòa tan thời gian qua tăng rất tốt. Nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan “tại gia” đột biến tăng mạnh do chế độ “giãn cách xã hội”.
Chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) sáng 1-9 (giờ Việt Nam). Nguồn: investing.com
Tuy nhiên, hoạt động vốn trên các sàn giao dịch tài chính vừa qua mới thực sự là đòn bẩy giúp giá cà phê hai sàn phái sinh tăng. Cà phê là một trong vài sàn hàng hóa thương phẩm có lượng giao dịch lớn. Nhờ lượng tiền được các ngân hàng trung ương cung ứng hết sức dồi dào để hỗ trợ các nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư đã chuyển vốn về mua trên hai sàn cà phê nói riêng và các sàn nông sản nói chúng.
Rabobank, ngân hàng nông nghiệp Hà Lan, phát hiện rằng thời gian vừa qua, có dấu hiệu các nhà đầu tư tài chính tăng lượng hợp đồng dư mua (net long) trên các sàn phái sinh nông sản lên mức cao nhất tính từ tháng 7-2017 đến nay. Lượng hợp đồng dư mua càng nhiều, giá càng có cơ hội tăng.
“Mặt khác, đồng đô la Mỹ rẻ cộng với lãi suất cơ bản đồng đô la thấp (từ 0%-0,25%) giúp các nhà đầu tư tài chính mạnh tay đặt cược mua vào các sàn nông sản, trong đó có hai sàn cà phê,” vị chuyên gia giải thích.
Rõ ràng đồng đô la Mỹ rẻ rất có lợi cho giá hàng hóa, không chỉ cà phê mà còn cho các thị trường khác như kim loại (nhất là vàng), năng lượng và nông sản, đặc biệt các sàn sử dụng đồng đô la Mỹ làm phương tiện giao dịch.
“Thị trường từng kỳ vọng rằng chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ sẽ đứng quanh mức 92 điểm và sau đó phục hồi. Nhưng nhận định này xem ra không còn đứng vững. Phiên giao dịch 31-8, có lúc chỉ số DXY đã phá mức 92 điểm để chạm 91,99. Phiên sáng nay 1-9, DXY đã rớt nhanh, có lúc chạm mức thấp 91,77 điểm với biên độ dao động 91,77-92,18 trên thị trường ngoại hối châu Á. Tình hình này, đường đi xuống của DXY còn rộng mở, thậm chí khả năng về các mức 89-87 chưa nên loại trừ”, vị chuyên gia nhận định.
Chưa cần nhìn từ phía cung-cầu, chỉ nhờ đồng đô la Mỹ rẻ với lượng tiền dồi dào, giá cà phê và một số hàng hóa thương phẩm có lực thanh khoản cao như vàng sẽ được tạo thêm động lực để cất cánh. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cần thật tỉnh táo, đừng đua nhau mua theo bầy đàn, vì giá có lúc đổ bất ngờ.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)