Thị trường cà phê nội địa lạnh tanh

20/08/2020

Giá cà phê robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – thời gian gần đây quay lại mức cao nhất tính từ cuối năm 2019. Cứ tưởng đợt sóng này đem lại sôi động và tạo điều kiện cho giá cà phê trong nước tăng lên. Nhưng không phải vậy. Giao dịch cà phê trong nước lặng ngắt như tờ.

Cứ tưởng giá phái sinh tăng sẽ tạo điều kiện cho thị trường cà phê hàng thực trong xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa tăng. Nhưng thực tế không phải vậy. Ảnh minh họa: TTXVN

Cú nhảy vọt đẹp mắt trên sàn London

Từ đầu tháng 7-2020 đến nay, giá cà phê phái sinh robusta London xuất hiện một đợt tăng mạnh và khá bền. Chỉ tính trong vòng một tháng từ 14-7, lợi suất đầu tư của sàn cà phê robusta đã tăng 154 đô la Mỹ/tấn, tức 12,52% dựa trên giá đóng cửa ngày 14-8 tại 1.384 đô la/tấn. Tuy nhiên, dù có lúc giá sàn phái sinh này giao dịch chạm đỉnh 1.420 đô la, nhưng thị trường chưa chứng kiến phiên nào đóng cửa trên 1.400 đô la/tấn từ đầu năm 2020 đến bây giờ.

Dù sao, đợt tăng hiện nay đã giúp xua tan tâm lý nặng nề trên thị trường. Đại dịch Covid-19 làm gãy đổ các chuỗi cung ứng hàng hóa, ngành cà phê không nằm ngoài tình hình chung ấy. Tiếp theo đó, Brazil được mùa cà phê, nhất là robusta, với trên dưới 20 triệu bao (bao=60 kg), bằng chừng 1/3 sản lượng cà phê của nước đứng đầu chủng loại cà phê này là Việt Nam. Những thông tin tiêu cực kiểu ấy đã lan nhanh trên thị trường trong và ngoài nước, có lúc đã đưa giá phái sinh London về mức 1.150 đô la/tấn.

Phải đợi một thời gian khá dài giá mới có cơ hội phục hồi và “tăng tốc”. Hiện các hãng rang xay cho thấy doanh thu cà phê hòa tan – chủ yếu từ nguyên liệu robusta – tăng tốt do dân chúng các nước không được phép ra khỏi nhà, phải sử dụng loại cà phê này thông qua các kênh bán hàng tại các quầy nhu yếu phẩm ở siêu thị và cửa hàng trực tuyến.

Hiện nay, giá niêm yết trên sàn London nằm trong biên độ dao động từ 1.335-1.390 đô la Mỹ/tấn. Dù có lúc cố thoát khỏi khung giá này, nhưng đóng cửa vẫn bị kéo về biên độ đã nói. Điều đáng ngạc nhiên là thị trường phái sinh chứng kiến nhiều phiên giao dịch có biên độ dao động giữa mức cao/thấp nhất trong ngày rất rộng, +/-50/70 đô la/tấn là chuyện bình thường (xem đồ thị).

Thị trường trong nước im ắng

Đồ thị giá cà phê robusta London. Nguồn: barchart.com/ tác giả diễn giải.

Cứ tưởng giá phái sinh tăng sẽ tạo điều kiện cho thị trường cà phê hàng thực trong xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa tăng. Nhưng thực tế không phải vậy. “Sao mà thị trường nội địa lạnh tanh đến thế!”, chủ một doanh nghiệp thu mua cà phê tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc, cho biết.

“Sàn London tăng thì chỉ giúp cho hàng giấy. Còn hàng cà phê xuất khẩu chưa hưởng được lợi lộc nào. Giá London tăng 150 đô la/tấn thì giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể cũng giảm chừng ấy. Trước đây, khách ngoại ký hợp đồng mua giá +200 đô la/tấn cao hơn giá niêm yết của sàn, thì nay chỉ còn +50/+70 đô la/tấn. Cho nên giá cà phê nội địa không tăng/giảm gì mấy, chỉ quanh mức 32-33 triệu đồng/tấn”, chủ doanh nghiệp này giải thích.

Thật vậy, thị trường nội địa trước đây đi rất sát với nhịp tăng/giảm của giá trên sàn phái sinh, nay khi sàn tăng 20-30 đô la/tấn thì giá nội địa chỉ nhích 100-200 đồng/kg (trong khoảng 4-8 đô la/tấn).

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thuộc hạng lớn nhất nhì trong nước cho hay ông chưa ký được hợp đồng mới nào vì khách ngoại trả giá quá rẻ. Ông nói: “Mới đây cộng 150-200 đô la/tấn so với giá niêm yết nhưng chỉ qua một thời gian giá tăng, họ đã đòi “gọt” bớt trên trăm đô la. Ai mà chấp nhận được! Dù biết rằng qua thời gian, giá cũng sẽ đến đó, nhưng ngay lập tức hạ giá thì không thể bán vì mua hàng đâu được giá thấp để giao!”

Tuần trước, giá đóng cửa London không vượt qua 1.400 đô la/tấn là do Brazil bán mạnh. Thu hoạch robusta tại Brazil đã hoàn tất và các hợp tác xã nước này cứ đợi đợt giá cao là bán ra. Còn các doanh nghiệp Việt Nam hầu như đã mất cơ hội khi giá chừng 1.300-1.320 đô la/tấn là hầu hết đã chốt giá cho những hợp đồng bán gửi kho trước đây. Hơn thế, chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là sang niên vụ mới 2020-2021. Tồn kho hàng thực đã vơi nhiều vì Việt Nam đang thời “giáp hạt”.

Đợt tăng giá cà phê robusta vừa qua nằm ngoài dự kiến. Nỗi lo còn lại là liệu nhịp tăng này có lặp lại cho đến khi cà phê Việt Nam vào mùa mới?

Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes)





11111111111111