Thị trường cà phê trong thế yếu
Từ đáy 1610 Usd/tấn lập vào ngày 06/07/18, giá kỳ hạn cà phê robusta London đã có một cuộc đảo chiều ngoạn mục để lên chạm 1705 Usd trong tuần qua. Đó cũng là đỉnh giá kỳ hạn robusta tuần trước. Tuy nhiên, thành quả ấy không được phát huy và không giữ vững được để rồi có kết quả chung cuộc khi đóng cửa ngày 13/07 chỉ còn 1666 Usd, cao hơn tuần trước đó một cách khiêm tốn chỉ với 4 Usd.
Sàn kỳ hạn arabica New York có giá đóng cửa cuối tuần qua tệ hơn, mất 4.20 cts/lb hay tương đương với -92,5 Usd/tấn để chốt 109.90 cts/lb hay 2423 Usd/tấn dù có lúc đã lên đến 115.75 cts/lb. Như vậy, do arabica yếu và London vững, giá cách biệt giữa 2 sàn kỳ hạn cà phê arabica New York với robusta London chỉ còn 757 Usd/tấn, bất lợi cho thị phần robusta vì arabica quá rẻ khi so giữa hai mức giá của thị trường.
Đợt đảo chiều tăng đột biến trong tuần qua trên cả hai sàn cà phê được cho là do các quỹ đầu tư tài chính phải vội vã mua lại khi phát hiện mình bán khống quá nhiều. Trên sàn New York, họ đã có lượng dư bán lên đến 1.402.784 tấn tương đương với 82.323 hợp đồng.
Nhưng tâm chấn của thị trường cà phê tuần trước không xuất phát từ lượng hợp đồng dư bán của sàn New York mà là sự căng thẳng ngày càng tăng của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc (TQ). Ngày 10/07/18, Washington quyết định áp thêm 10% thuế nhập khẩu lên 200 tỷ Usd giá trị hàng hoá nhập khẩu từ TQ. Cũng ngày hôm ấy, hầu hết các thị trường tài chính gồm chứng khoán và phái sinh đều sụp đổ. Chỉ số Usd từ 93,5 điểm đã nhảy lên giao dịch ở khu vực 95 điểm.
Giá hai sàn cà phê lại rút về mức thấp để so với đỉnh, đóng cửa sàn London mất gần 40 Usd và New York mất gần 130 Usd/tấn.
Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi ở Tây nguyên dao động quanh trục 34,5 triệu đồng mỗi tấn (+/-300 đồng) trong khi giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh 35,5 triệu đồng mỗi tấn, mất chừng 8 triệu so với đỉnh giá của niên vụ này.
Phản ứng trước một thị trường kỳ hạn giá thấp, giá cà phê trong nước xoay quanh mức 34,5 triệu đồng và cà phê xuất khẩu loại 2 quanh mức 35,5 triệu đồng mỗi tấn. Những rủi ro trên thị trường tài chính những ngày này cũng làm người mua nhập khẩu càng thận trọng vì rủi ro lớn.
Thật ra, nhu cầu sản xuất là đều đặn và liên tục. Nhưng rất có thể các hãng rang xay mua lượng vừa đủ để chế biến và hàng cần giao ngay từ các kho quanh vùng. Nên chào bán xuất khẩu hiện nay từ nước ta khá gay go và làm cho các nhà xuất khẩu nghi ngờ thị trường như không có nhu cầu. Vả lại, tín dụng ngoại tệ tại nhiều nước nhập khẩu không phải dễ dàng như trước nên hợp đồng tín dụng của họ với các ngân hàng có thể ngặt ngèo hơn, nhất là đối với các hợp đồng mua bán giao xa.
Nhiều nhà xuất khẩu khẳng định rằng mua bán rất chậm chạp, hợp đồng mới không có mấy. Thật ra nhu cầu vẫn có nhưng cách mua bán của các nhà chế biến phụ thuộc vào hạn mức tín dụng và cách hạn chế rủi ro của họ. Không có kho bãi để cắm hàng tại các nước tiêu thụ là một thiệt thòi cho các nhà xuất khẩu hàng hoá thương phẩm cà phê Việt Nam.
Người mua không nhiều, người bán muốn bán, giá cà phê không thể nào cất cánh. Giá cà phê nội địa trong tuần này (kết thúc 20/07) có thể vẫn ở trong khu vực 34,5 triệu đồng mỗi tấn như đã nói trên. Giá chỉ thay đổi khi sàn kỳ hạn vượt khỏi 2 đầu cao thấp là 1712 và 1610. Vượt được 1712, khả năng lên 36-36,5 triệu và xuyên đáy 1610 thì khả năng rút xuống 33 triệu đồng mỗi tấn.
Dù sao, các thị trường kỳ hạn cà phê khó có đột biến trong. Hướng giá nội địa dựa trên phân tích ở phần (2) có thể quanh 34,5 triệu đồng nghiên về hướng thấp.
NGUYỄN QUANG BÌNH