Tiềm năng xuất khẩu cà phê sang thị trường Bắc Phi

25/06/2020

Hiện nay, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống nóng ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi Ả rập. Tại một số quốc gia như Algeria, cà phê được xem là sản phẩm thiết yếu bên cạnh các loại thực phẩm khác như bánh mì, dầu ăn, đường, sữa. Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại mỗi năm trong đó Việt Nam thường cung cấp trên 50% sản lượng. Mặt khác, tại Bắc Phi, số lượng người nước ngoài, chủ yếu là châu Âu đến sinh sống và làm việc ngày một đông. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh, nhất là khi nơi đây không trồng được loại cây này.

 

Tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Phi

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại Châu Phi, chủ yếu là các nước Bắc Phi từ nhiều năm nay. Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu cà phê sang 13 quốc gia châu Phi đạt kim ngạch 153 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu chính gồm có Algeria (111 triệu USD), Ai Cập (15,8 triệu USD), Morocco (15,4 triệu USD), Tunisia (4,9 triệu USD), Nam Phi (4,5 triệu USD),... Con số này còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân đạt 3,13 tỷ USD/năm của Việt Nam ra toàn thế giới giai đoạn 2011-2018.

Phần lớn cà phê nhập khẩu vào Bắc Phi dưới dạng cà phê thô (cà phê chưa rang xay và chưa khử cafein). 80% cà phê nhập khẩu là cà phê robusta và 20% là cà phê arabicaKhi nhập khẩu về nước, các công ty rang xay sẽ trộn các loại cà phê theo tỷ lệ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, lý do các nước Hồi giáo chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân xanh chưa rang xay (green bean) về tự chế biến là để bảo đảm tiêu chuẩn halal và hưởng thuế nhập khẩu thấp hơn.

Nhìn chung, cà phê nhập khẩu vào Bắc Phi phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng và các quy định chặt chẽ, do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm, đây là rào cản đầu tiên trước khi hàng hóa vào được nội dịa của nước nhập khẩu. Các chuyên gia sẽ phân tích mẫu lấy từ các bao khác nhau để kiểm tra xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn qui định hay không. Về mặt pháp lý, trong mẫu 300 gr, trọng lượng nhân hỏng không được vượt quá 10 %, nếu không hàng sẽ bị giữ lại tại cảng nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu trung bình là 25% đối với cà phê chưa rang xay và 70% đối với cà phê rang xay. Riêng tại Algeria, tổng thuế và phí nhập khẩu áp dụng đối với cà phê chưa rang xay lên tới 61% (Algeria chưa phải là thành viên của WTO).

Tại Bắc Phi, cà phê thô của Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê đến từ các nước Colombia, Brazil, Guatemala, Indonesia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Uganda...

Tại thị trường châu Phi nói chung, việc tiêu thụ cà phê không đóng bao vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và các đòi hỏi chuẩn mực vệ sinh, chất lượng không cao. Tuy nhiên, thị trường cà phê đóng gói đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và thu hút nhiều nhà rang xay trong và ngoài nước. Người dân nơi đây đang trở thành những người tiêu dùng sành điệu và ngày càng đòi hỏi mặt hàng có chất lượng cao, sử dụng tiện lợi.

Việc xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan của Việt Nam vào các nước Bắc Phi cho đến nay vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng địa phương thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan nhập khẩu nói chung chưa có đủ độ đường, đặc biệt thường e ngại về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn halal (liên quan đến các thành phần bổ sung như sữa bột). Đây là điều các doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu cà phê thành phẩm vào thị trường này, nhất là khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường châu Phi, Bộ Công Thương đã và đang đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Nam Phi, Trung Đông... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam.

 

Châu Phi không chỉ nhập khẩu cà phê

Theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, không chỉ là thị trường nhập khẩu, châu Phi (nhất là khu vực Đông Phi, Tây Phi và Trung Phi) cũng là lục địa sản xuất cà phê với 34 trên 55 nước trồng loại cây này, đóng góp 12% sản lượng cà phê thế giới. Nổi tiếng nhất là Ethiopia, quê hương của cây cà phê, cung cấp 5% sản lượng cà phê Arabica thế giới. Cà phê là mặt hàng xuất khẩu số 1 của quốc gia Đông Phi này, chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Ethiopia. Tiếp đến là Uganda, chiếm 3% sản lượng cà phê Arabica và Robusta thế giới. Ngoài ra, Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire) cũng là nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba châu Phi và thứ nhất khu vực Tây Phi.

10 nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới năm 2019

Đơn vị : Nghìn bao (loại bao 60 kg)

 

1. Brazil

61.700

2. Việt Nam

29.500

3. Colombia

14.200

4. Indonesia

10.200

5. Ethiopia

7.500

6. Honduras

7.450

7. Ấn Độ

5.200

8. Uganda

4.900

9. Mexico

4.500

10. Peru

4.300

 

 

 

Nguồn: © Statista 2020

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu  11,2 triệu USD cà phê các loại từ châu Phi trong đó nhiều nhất là từ Bờ Biển Ngà (8,3 triệu USD), Ethiopia (1,4 triệu USD), Cameroun (786.137 USD), Tanzania (467.650 USD), Uganda (228.665 USD)… Cà phê nguyên liệu châu Phi cũng được các doanh nghiệp đánh giá có chất lượng khá với giá bán hợp lý./.

Hoàng Đức Nhuận





11111111111111