TỔNG HỢP TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ TUẦN 26 (22/06/2020 – 27/06/2020)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm tới, trong khi mối lo đại dịch Covid-10 có khả năng bùng phát lần hai khiến hầu hết các thị trường hàng hóa suy yếu trở lại.
Tính chung cả tuần 26, thị trường London có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 22 USD, tức giảm 1,87 %, xuống 1.153 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm tất cả 23 USD, tức giảm 1,92 %, còn 1.172 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình.
Trái lại, thị trường New York có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tất cả 0,75 cent, tức tăng 0,78 %, lên 96,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng tất cả 0,8 cent, tức tăng 0,82 %, lên 98,95 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống trên mức trung bình.
Giá cà phê trung bình trong nước tuần này biến động giảm so với tuần trước. Tại Đắk Lắk, giá cà phê Robusta bình quân đạt 30.820 đồng/kg, giảm 0,67% so với mức giá tuần trước và thấp hơn 8,38 % so với cùng kỳ năm 2019. Tại Lâm Đồng, giá cà phê Robusta giảm 0,72% so với tuần trước, xuống mức 30.206 đồng/kg và thấp hơn 9,72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê kỳ hạn trái chiều khi lượng hàng Robusta vụ mới đang thu hoạch của Brazil và Indonesia bắt đầu tham gia thị trường, tuy vẫn còn dành ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước và giới thương nhân nội địa, nhưng đã giúp giảm bớt sức ép nguồn cung lên thị trường tiêu dùng sau khi nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong khi đó, Brazil vẫn bán cà phê Arabica Natural vụ mới giao sau một cách ổn định trong bối cảnh đồng Real giảm thấp, có lợi để họ bán hàng nông sản xuất khẩu nói chung.
Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, trong khi xuất hiện mối lo đại dịch Covid-19 có khả năng bùng phát lần hai đã khiến hầu hết các thị trường hàng hóa suy yếu trở lại, giới đầu cơ tỏ ra thận trọng, muốn chờ đợi nghe ngóng thêm tin tức rõ ràng, cụ thể hơn nữa. Bên cạnh còn là sự căng thẳng giữa Mỹ – Trung có dấu hiệu gia tăng khi Nhà Trắng có những đạo luật về các vấn đề của Trung Quốc, có thể làm tổn hại đến việc mua các sản phẩm nông sản Mỹ.
Báo cáo mới nhất của USDA cho thấy sản lượng và xuất khẩu cà phê thế giới trong năm 2020 - 2021 dự kiến sẽ đạt mức kỉ lục, chủ yếu là do Brazil bước vào năm sản xuất chính. Đồng thời USDA cũng sửa đổi ước tính cho năm 2019 - 2020 với sản lượng và xuất nhập khẩu đều giảm so với dự báo trước đó.
Dự báo sản lượng cà phê thế giới năm 2020 - 2021 tăng 9,1 triệu bao (60 kg) so với năm trước lên mức kỉ lục 176,1 triệu bao. Brazil dự kiến sẽ chiếm phần lớn sản lượng khi vụ cà phê Arabica bước vào năm sản xuất chính của chu kì sản xuất hai năm một lần.
Xuất khẩu trên thế giới cũng tăng, chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Brazil. Dự trữ cuối năm dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong 6 năm do sản xuất vượt xa tiêu thụ.
Brazil:
Sản lượng cà phê Arabica của Brazil dự báo tăng 6,8 triệu bao lên tới 47,8 triệu bao. Điều kiện thời tiết thuận lợi ở hầu hết các vùng sản xuất chính hỗ trợ cho việc ra hoa và đậu quả, từ đó mang lại năng suất cao. Ngoài ra, phần lớn các khu vực sản xuất bước vào năm sản xuất chính của chu kì hai năm một lần. Phần lớn vụ thu hoạch cà phê Arabica bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6 và chất lượng của vụ mùa dự kiến sẽ tốt hơn vụ thu hoạch trước.
Sản xuất cà phê Robusta dự kiến tăng 1,8 triệu bao lên mức kỉ lục 20,1 triệu bao. Lượng mưa dồi dào giúp sản lượng tăng cao ở 3 bang sản xuất chính là Espirito Santo, Rondonia và Bahia. Ngoài ra, việc mở rộng giống cây vô tính và cải thiện các kĩ thuật quản lí cây trồng dự kiến sẽ giúp tăng lợi nhuận trong năm nay. Tổng sản lượng của cả cà phê Arabica và Robusta ước tính tăng 8,6 triệu bao lên mức kỉ lục 67,9 triệu, trong số đó một nửa sẽ được xuất khẩu, phần còn lại được dự trữ.
Colombia
Sản xuất cà phê Arabica của Colombia dự báo tăng 300.000 bao lên 14,1 triệu bao trong điều kiện phát triển thuận lợi và năng suất cao. Xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu, dự báo tăng 400.000 bao lên 12,4 triệu bao. Với mức tiêu thụ cũng tăng, dự trữ cuối năm dự kiến sẽ giảm nhẹ.
Một số quốc gia khác
Sản lượng của Indonesia ước tính giảm 400.000 bao xuống còn 10,3 triệu với sản lượng cà phê Robusta thấp hơn. Lượng mưa thấp ở phía Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% sản lượng Robusta, khiến năng suất giảm. Trong khi đó, điều kiện phát triển thuận lợi ở phía Bắc Sumatra giúp sản xuất Arabica tăng 50.000 bao lên 1,3 triệu bao. Dự trữ cuối năm sẽ vẫn ở mức 2,6 triệu bao vì giá hiện tại không đáp ứng được mong muốn người dân. Xuất khẩu dự báo giảm 200.000 xuống 5,9 triệu bao.
Sản xuất tại Ấn Độ dự báo tăng 400.000 bao lên 5,3 triệu do thời tiết thuận lợi trong thời kì ra hoa và đậu quả sẽ cải thiện năng suất của cả cà phê Arabica và Robusta. Xuất khẩu có thể giảm 300.000 bao xuống còn 3,3 triệu bao trong khi dự trữ dự kiến sẽ tăng nhẹ.
Tổng sản lượng của Trung Mỹ và Mexico ước tính tăng 600.000 bao lên 18 triệu bao. Bệnh gỉ sét vẫn chưa chấm dứt trong khu vực và tiếp tục tác động đến sản lượng.
Dự kiến sản xuất của Honduras chiếm gần như toàn bộ sự tăng trưởng của khu vực, hồi phục 500.000 bao lên 6,1 triệu bao trong điều kiện phát triển thuận lợi cùng với việc tăng cường sử dụng phân bón để tăng năng suất. Honduras chiếm khoảng 1/3 sản lượng của khu vực.
Mexico và Guatemala chiếm khoảng 40% sản lượng của khu vực và tiếp tục thực hiện các chương trình thay thế cây bằng các giống chống gỉ. Sản lượng của Nicaragua dự báo giảm năm thứ ba liên tiếp do bệnh gỉ sét.
Tổng xuất khẩu của Trung Mỹ và Mexico dự báo sẽ ở mức 14,5 triệu bao. Hơn 45% xuất khẩu của khu vực này dành cho thị trường Liên minh châu Âu, tiếp theo là Mỹ với 30%.
Nhập khẩu
Nhập khẩu của EU được dự báo tăng 2 triệu bao lên 49,5 triệu bao và chiếm gần 45% lượng nhập khẩu cà phê thế giới. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (29%), Việt Nam (23%), Colombia (7%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối năm dự kiến tăng 1 triệu bao lên 14,5 triệu bao.
Mỹ là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ hai và dự báo nhập khẩu tăng 2 triệu bao lên 27 triệu bao. Các nhà cung cấp chính gồm Brazil (24%), Colombia (22%), Việt Nam (16%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối năm dự báo tăng 500.000 bao lên 7 triệu bao.
Sửa đổi ước tính năm 2019 - 2020
USDA sửa đổi ước tính sản lượng thế giới trong năm 2019 - 2020 giảm 2,4 triệu bao xuống còn 166,9 triệu bao.
- Sản lượng của Honduras giảm 900.000 bao xuống 5,6 triệu bao với năng suất thấp hơn bởi thiệt hại do bệnh gỉ sét.
- Sản lượng của Mexico giảm 850.000 bao xuống 3,7 triệu do sản lượng không tăng như dự đoán.
- Sản lượng của Việt Nam giảm 925.000 bao xuống 31,3 triệu bao do diện tích trồng giảm.
Xuất khẩu cà phê cũng được điều chỉnh, giảm 3,4 triệu bao xuống còn 112 triệu bao.
- Xuất khẩu của Việt Nam giảm 1,5 triệu bao xuống 24 triệu bao do nguồn cung giảm.
- Xuất khẩu của Colombia giảm 700.000 bao xuống 12 triệu bao với sản lượng thấp hơn.
- Xuất khẩu của Honduras giảm 700.000 bao xuống 5,5 triệu bao.
Nhập khẩu thế giới cũng giảm 2,7 triệu bao xuống còn 109,7 triệu bao.
- Nhập khẩu của Mỹ giảm 1,2 triệu bao xuống 25 triệu bao do mức tiêu thụ và dự trữ giảm.
- Nhập khẩu của EU giảm 500.000 bao xuống 47,5 triệu bao năm nay.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ thị trường cà phê AArabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 16/6, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế bán ròng ngắn hạn thêm 38,10% lên đăng ký bán ròng ở 24.153 lô, tương đương 6.847.268 bao và rất có thể đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại nói chung có phần suy yếu hơn kể từ sau đó.
Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế bán ròng thêm 12,4 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký bán ròng ngắn hạn ở 34.752 lô, tương đương 5.792.000 bao và có khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại có phần tiêu cực hơn kể từ sau đó.
Tính đến thứ Hai ngày 22/6, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 1.480 tấn, tức giảm 1,23 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 118.950 tấn (tương đương 1.982.500 bao, bao 60 kg).
VICOFA tổng hợp
(Nguồn: ICO, Reuters, Agroinfo, Agrotrade Vietnam, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen, cafeF)