TỔNG HỢP TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ TUẦN 36 (31/08/2020 – 05/09/2020)

06/09/2020

Tính chung cả tuần 36, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng tất cả 15 USD, tức tăng 1,05 %, lên 1.444 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2021 tăng tất cả 18 USD, tức tăng 1,25 %, lên 1.454 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trong khi đó, thị trường New York có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng tất cả 7,65 cent, tức tăng 6,05 %, lên 134 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2021 tăng tất cả 7,2 cent, tức tăng 5,65 %, lên 127,35 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 33.500 – 33.900 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng khi báo cáo tồn kho được chứng nhận của hai sàn, nhất là sàn New York vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Trong khi đó, Hội đồng Tiền tệ Quốc gia (CMN) Brazil chấp thuận cho Funcafé giảm lãi suất tín dụng để hỗ trợ nhà nông không vội bán hàng ra ở vùng giá thấp

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo xuất khẩu toàn cầu trong tháng 7 đạt 10,61 triệu bao cà phê các loại, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do dịch bệnh lây lan nên các nước sản xuất không đẩy mạnh xuất khẩu, cho dù giá cả đã có phần cải thiện so với ba tháng trước đó.

Đồng thời, ICO đã điều chỉnh dự báo thiếu hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê hiện tại sang dư thừa 952.000 bao, do điều chỉnh tăng sản lượng vụ mùa của Brazil năm 2019.

Tính đến cuối tháng 8, nông dân Brazil về cơ bản sẽ hoàn tất thu hoạch vụ mùa mới năm nay, theo Safras & Mercados ước tính khoảng 68,1 triệu bao trên tổng số 68 triệu bao sản lượng dự kiến, trong đó cà phê Conilon Robusta chiếm khoảng 20 triệu bao. Tiến độ thu hoạch ở một vài vùng trồng có chậm đôi chút so với mức trung bình 5 năm là do phải thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch covid-19. Nhìn chung, thu hoạch vụ mùa năm nay không có trở ngại đáng kể nào.

Thông thường, tháng 8 là một trong những tháng lượng mưa thấp nhất trong năm tại các khu vực sản xuất cà phê của Brazil trước đây. Vành đai cà phê Brazil được dự báo sẽ vẫn khô trong 10 ngày tới, với khả năng xuất hiện những cơn mưa nhỏ giữa khu v Espirito Santo và Nam Bahia.

Colombia là nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới nhưng cây trồng của nước này đang gặp rủi ro do sâu đục quả cà phê (CBB) với 75% cây trồng bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học CABI (Anh) đang hợp tác để giúp nông dân trồng cà phê Colombia chống lại loài gây hại sâu đục quả cà phê (CBB) (Hypothenemus hampei) tàn phá bằng hệ thống cảnh báo sớm khai thác dữ liệu khí hậu và công nghệ viễn thám hiện đại, cho phép họ có thời gian truy cập và áp dụng các biện pháp kiểm soát một cách hiệu quả. Đây là một phần của Dự án Agri-Tech Catalyst Challenge, đang được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng Colombia và được quản lý bởi Innovate UK, dự án đang nghiên cứu hồ sơ thuốc trừ sâu sinh học (dựa trên nấm bản địa), thông tin sẽ được chuyển tiếp vào hệ thống cảnh báo để đưa ra giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Dự án cũng sẽ tập trung vào việc khắc phục sự chênh lệch giới trong canh tác cà phê, nơi mà phụ nữ nông dân đóng vai trò chính trong sản xuất cà phê của Colombia nhưng không phải lúc nào cũng có quyền tiếp cận công bằng với thông tin liên quan đến kế hoạch quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Sâu đục quả cà phê là loài gây hại cà phê nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới, gây thiệt hại cho cây trồng hàng năm trên 500 triệu đô la Mỹ. Ở Colombia, 75% diện tích cây cà phê bị ảnh hưởng bởi sâu đục quả, trực tiếp phá hoại hạt và hương vị cà phê. CBB trước đây chỉ giới hạn ở cà phê được trồng dưới độ cao 1500m nhưng hiện đã lan rộng lên khu vực ở độ cao lớn hơn, do biến đổi khí hậu tạo ra các điều kiện ấm hơn và ẩm ướt hơn. Xu hướng của nông dân là tăng cường các hoạt động của họ để thoát khỏi dịch hại, phá bỏ các biên giới tự nhiên để mở rộng trang trại, hoặc chuyển lên trên và phát quang rừng bản địa để tạo khu vực trồng mới. Việc này không những không hiệu quả mà đang làm tổn hại đến môi trường và phá rừng.

Cơ quan thương mại Indonesia báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 8, chủ yếu là cà phê Robusta, chỉ đạt 285.068 bao, giảm 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu của niên vụ hiện tại 2019/2020 đạt tổng cộng 2.725.341 bao, tăng 410.076 bao, tức tăng 17,71% so với cùng kỳ niên vụ trước đó.

Việt Nam: Xuất khẩu cà phê tháng 8 năm 2020 ước đạt 110 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,16 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 13,6% (đạt 243,5 triệu USD), 9% (đạt 160,3 triệu USD) và 7,8% (đạt 139,4 triệu USD). Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 52,6%, đạt 26,2 triệu USD), Nhật Bản (tăng 15,1%, đạt 117 triệu USD) và Bỉ (tăng 10,6%, đạt 81,7 triệu USD), trong khi giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 26%, đạt 37,4 triệu USD) và thị trường Thái Lan (giảm 19%, đạt 33,6 triệu USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1.788 USD/tấn, giảm nhẹ 0,03% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tăng thu nhập cho nông dân trồng cà phê trong bối cảnh giá cà phê liên tục ở mức thấp, Lâm Đồng hiện đang khuyến khích nông dân trồng mắc ca xen trong vườn cà phê để xây dựng một môi trường canh tác bền vững như một cây che bóng, đồng thời là giải pháp hiệu quả cho việc giữ rừng của Lâm Đồng. Với khả năng sinh trưởng của cây rừng, mắc ca có thể sống khỏe và cho trái tới 70 - 80 năm. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 4 ngàn ha cây mắc ca, vừa trồng thuần và trồng xen với các loại cây trồng khác. Diện tích chiếm chủ yếu là mắc ca trồng xen với cà phê, đặc biệt ở các vùng Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Trong số 4 ngàn ha mắc ca, có xấp xỉ 30% đã cho thu hoạch. Với giá cả khá tốt, mắc ca đã mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập tốt bên cạnh các cây trồng khác.

Hiện Di Linh, một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn, diện tích cà phê được trồng xen mắc ca rất lớn. Đặc biệt, có 504 ha đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Di Linh đã cho bà con trồng xen mắc ca và một số loại cây lâm nghiệp khác để khôi phục độ che phủ rừng nhưng người dân vẫn còn băn khoăn khi xuống giống. Hiện hạt mắc ca đang có giá khá tốt, 40 ngàn 1 kg hạt khô và 80 ngàn 1 kg nhân. Tuy nhiên, thời điểm mùa mắc ca năm 2020, giá mắc ca đã xuống rất thấp, chỉ còn 25 ngàn 1 kg hạt khô. Khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là tạm thời, tuy nhiên đầu ra cho mắc ca cũng là vấn đề cần lưu tâm. Ngoài ra, chất lượng hạt giống cũng khiến bà con lo lắng trong việc mở rộng diện tích trồng mắc ca. Nhiều diện tích mắc ca trồng 4-5 năm chưa cho trái, hoặc trái nhỏ, không đủ tiêu chuẩn thu mua khiến nông dân thiệt hại. Nông dân xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đã từng trồng nhiều diện tích mắc ca không có trái hoặc rất ít trái sau 7 năm xuống giống. Cây mắc ca là cây trồng lâu năm, việc giống không chuẩn sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân, giá giống mắc ca cũng khá cao, không phải nông hộ nào cũng có khả năng mua giống với giá cao để canh tác. Về phía doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt mắc ca cũng còn nhiều băn khoăn do chất lượng đầu vào của hạt còn chưa được chuẩn hóa. Các sản phẩm còn khá đơn giản, chủ yếu là hạt sấy nguyên chất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm từ mắc ca, tăng giá trị cho loại hạt giá trị này. Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán hạt mắc ca nguyên liệu, khiến giá hạt mắc ca tăng giá ảo, người nông dân ồ ạt trồng theo dẫn đến phá vỡ quy hoạch, gây nhiều hệ lụy xấu cho người nông dân và cho việc phát triển cây mắc ca lâu dài.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 7 đạt 543.251 bao, cao hơn 79.542 bao hay 17,15% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức xuất khẩu cao nhất trong một tháng kể từ năm 1991. Trong đó, xuất khẩu Robusta tăng 20,84% lên 467.160 bao, Arabica giảm 1,34% xuống 76.091 bao so với cùng kỳ năm trước. Thành tích này đạt được là nhờ sản lượng cao hơn từ cây cà phê mới và nới lỏng các hạn chế về coronavirus. Xuất khẩu lũy kế trong 10 tháng đầu năm từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020 đạt 4.334.340 bao, cao hơn 745.615 bao hay 20,78% so với cùng kỳ năm trước. Uganda củng cố vị trí là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi với khối lượng và giá trị đều đạt mức kỷ lục với 5,06 triệu bao, trị giá 494 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6. Uganda dự báo năm 2020 Uganda tiếp tục vượt Ethiopia trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất châu lục. Lộ trình Cà phê Uganda (Uganda Coffee Roadmap) được đưa ra nhằm thực hiện chỉ thị của Tổng thống Uganda vào năm 2014, mục đích đẩy nhanh sản lượng cà phê từ 3,5 triệu bao 60kg lên 20 triệu bao cà phê nhân vào năm 2025.

Một số nhận định và dự báo:

(1) Chỉ số giá trị đồng USD tiếp tục yếu do vẫn còn nhiều lo ngại cho khả năng khôi phục kinh tế sau đại dịch. Chỉ số giảm liên tục đã hỗ trợ cho nhóm hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Đồng nội tệ Brazil, hiện vẫn đang ở mức có lợi cho người bán, đã giảm 23,4% từ đầu năm 2020 do một phần vì tình hình chính trị, phần khác do dịch bệnh Covid-19 với lượng lây nhiễm và tử vong ở mức cao. Trước tình hình giá cà phê liên tục biến động, dự báo trong thời gian tới, giá cà phê diễn biến đảo chiều do áp lực hợp đồng giao tháng 9 đã sắp đến ngày thông báo giao hàng đầu tiên;

(2) Mặc dù nhập khẩu cà phê nói chung của Canada giảm nhưng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam vẫn tăng, cho thấy triển vọng của cà phê Việt Nam ở thị trường này. Với 37 triệu dân, mức sống cao và tỉ lệ đô thị hoá tới 80%, Canada là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng Việt Nam, trong đó có cà phê. Chính sách của Canada được đánh giá có độ mở cho nông sản nhiệt đới với thuế suất 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, mới đây, hệ thống Walmart Canada đã đầu tư lớn để đẩy mạnh phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến thích ứng với xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng đối phó với tình hình dịch bệnh tại Canada.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 25/8, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã tăng vị thế mua ròng thêm 34,44 % lên đăng ký mua ròng ở 22.218 lô, tương đương 6.298.705 bao và có nhiều khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại tích cực kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ ​​thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã tăng vị thế mua ròng thêm 67,64 % lên đăng ký mua ròng ở 9.279 lô, tương đương 1.546.500 bao và nhiều khả năng đã được tăng thêm sau giai đoạn thương mại tích cực kể từ sau đó.

Tính đến thứ Hai ngày 31/8, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng 690 tấn, tức tăng 0,63 % so với tuần thương mại trước đó, lên đăng ký ở 109.770 tấn (tương đương 1.829.500 bao, bao 60 kg), ghi nhận tuần tăng đầu tiên sau chuỗi giảm kéo dài kỷ lục.

Thông báo:

Thứ Hai, ngày 07/9, thị trường New York nghỉ Lễ Lao động Mỹ, đóng cửa cả ngày không giao dịch. Thị trường London mở cửa giao dịch bình thường.

 

VICOFA tổng hợp

 (Nguồn: ICO, Reuters, TCHQ, Agroinfo, Agrotrade, tincaphe, giacaphe, tintaynguyen)





11111111111111