Mơ một vòng du lịch cà phê
Không ngượng mà nói thẳng rằng Việt Nam là cường quốc cà phê. Qua hơn một thế kỷ rưỡi tính từ năm 1857 khi du nhập vào nước ta, đến nay, cây cà phê được trồng rải đều từ Bắc chí Nam.
Người trong ngành cà phê thường cho sản phẩm của mình làm ra là ngon nhất thiên hạ nhưng khi mời khách uống ly cà phê, vẫn có cảm giác… ngượng ngùng.
Đã có một số doanh nghiệp du lịch kinh doanh các tour cà phê, tuy nhiên, chỉ khai thác được từ khách lữ hành và rất chung chung, vì thu nhập du lịch hơn là quảng bá về ngành nghề cà phê. Những người mở tour thường không rành nghề cà phê, đặc biệt lại không màng chuyện thưởng thức cà phê của khách nên khách phải chịu thiệt thòi, không được trải nghiệm những thứ đích đáng có trong hột cà phê Việt Nam. Cũng vì vậy mà khách chỉ đi cho biết một lần và không trở lại.
Đa dạng các vùng trồng cà phê
Cây cà phê Việt Nam được trồng rải rác ở nhiều tỉnh thành, từ cực Bắc giáp với Trung Quốc đến các tỉnh miền Đông Nam bộ. Cây cà phê thường chọn các vùng đất đỏ ba-zan màu mỡ ở các địa phương có núi đồi trùng điệp. Về sau này, do thị trường cà phê hấp dẫn, nó được đưa đến trồng ở một số vùng đồi núi thuộc các tỉnh duyên hải.
Về chủng loại, nói chung, ở Việt Nam chủ yếu có ba loại cà phê: robusta hay còn gọi là cà phê vối với chừng 90% diện tích, cà phê chè arabica chừng 9% và cà phê mít liberica 1%. Riêng về arabica, ngoài giống catimor – một loại giống được lai tạo giữa cà phê chè với vối đang được trồng đại trà, còn có một số đặc chủng. Như cà phê Cầu Đất Đà Lạt là một loại đặc sản của vùng này. Có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của loại cà phê này, như nó có phải là Moka, Typica, Bourbon…, những loại cà phê ngon được nhiều người uống cà phê trên thế giới ưa chuộng.
Người có kinh nghiệm thưởng thức cà phê cho rằng trái cà phê trồng ở vùng cao thường ngon hơn vùng thấp. Cà phê chè nay chiếm hết 55-60% thị trường tiêu thụ cà phê thế giới. Do người tiêu dùng quen dùng cà phê chè nhờ hương thơm và mùi vị “trời phú”, giá của loại này thường cao hơn cà phê vối chừng 1.000 đô la Mỹ mỗi tấn, đỉnh điểm có lúc cách biệt tới 4.100 đô la.
Nói về tiềm năng khai thác du lịch, các tỉnh đang sản xuất cà phê đều là những điểm đến hấp dẫn, cả trên rừng lẫn dưới biển. Miền Bắc chủ yếu trồng cà phê chè ở các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái…; gần thủ đô Hà Nội có Phú Thọ… Trên dải đất miền Trung, chỉ trừ Ninh Thuận và Bình Thuận, hầu như tỉnh nào cũng có trồng cà phê. Đó cũng là yếu tố thuận lợi cho việc khai thác kết hợp tour biển và rừng.
Vùng trồng cà phê tập trung nhất là các tỉnh Tây nguyên: Daklak, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Dăk Nông, với nhiều làng trồng cà phê của cả người Kinh lẫn đồng bào dân tộc, đa dạng về sinh hoạt văn hóa và phong phú về ẩm thực. Đây cũng là những vùng núi non hùng vĩ với nhiều ghềnh thác hấp dẫn. Không khai thác được du lịch cà phê và chưa khoe được cà phê đặc sản của nước mình thì quả thật là một sự hoang phí.
Tôi muốn biết…
Chẳng biết trên thế giới này còn ai không biết cà phê hay chưa một lần uống cà phê, nhưng đối với các thị trường mà Việt Nam đang khai thác khách du lịch như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì hầu hết du khách đều là những người uống cà phê sành điệu. Với hương thơm dịu ngọt của hoa, lá, cây cà phê, cảnh tịch lặng tự nhiên đến đỉnh “thiền” của các vườn cà phê vùng núi cao – nơi giao hòa đất với trời, nếu như du khách được nghe chủ vườn cà phê giải thích mình chăm sóc cây cà phê thế nào, sản xuất và chế biến công phu ra sao, thì quả là một trải nghiệm để đời.
Tại nhiều nước sản xuất và xuất khẩu cà phê truyền thống như Brazil, từ gần chục năm nay, người ta đã chuẩn bị khá chu đáo cho khách mua tour cà phê. Từ việc mở khách sạn ở những vị trí cận vườn cây hay tổ chức nhà nghỉ ngay trong vườn sản xuất, đến các phòng thử nếm, thưởng thức cà phê, tìm hiểu công nghệ rang xay… Tất cả nhằm chứng minh cho du khách thấy việc sản xuất ra được hột cà phê không chỉ lắm công phu, khó nhọc mà còn đầy tính nghệ thuật.
Việc thưởng thức cà phê đòi hỏi từ hai phía. Phía người sản xuất và chế biến cà phê phải như những nghệ sĩ. Nếu họa sĩ cầm cọ phóng lên những đường nét và màu sắc hài hòa mà độc đáo, thì “nghệ sĩ” chế biến cà phê phải làm sao cho hột cà phê toát ra được hương thơm và mùi vị “nội tại” của từng vùng, từng vườn, thậm chí từng mẻ. Còn đối với người thưởng thức, thông qua những gì mình trông thấy và thử nếm cùng “trình độ” cảm nhận mùi, hương, vị để phát hiện ra từng “nét cọ” là những thơm, bùi, chua, ngọt, mặn, đắng… trong hột cà phê.
Công ty bán tour không những cần sử dụng những người biết rõ cà phê để khỏi làm hỏng các kiến thức, tạo thêm ý vị từ ly cà phê trong tâm lý khách hàng, mà còn cần biết khi nào là mùa tưới cây cà phê, khi nào cây ra hoa, đậu trái, quy trình thu hái, chế biến nghiêm ngặt như thế nào để có ly cà phê đặc sản sạch, ngon, hấp dẫn.
Chất lượng cà phê không có mẫu số chung
Hiện nay, khi đưa du khách đến thăm vùng cà phê, các dịch vụ chưa được quan tâm chăm chút. Khi thăm nhà vườn, các tiệm hay vào khu du lịch, đôi khi khách bị phục vụ những ly cà phê kém chất lượng, thậm chí có cả mùi hóa chất pha trộn, làm họ mất cảm tình với cà phê Việt Nam.
Khách thường nghe là cà phê Việt thơm tho, ngon ngọt nhưng nó không được người ta chứng minh. Mặt khác, có thể do cà phê ngay từ đầu không phải nguyên chất mà bị pha tạp, cộng với việc thu hái, chế biến cẩu thả… làm cho cà phê dễ từ “vàng” biến thành “bùn”.
Để tour du lịch cà phê thành công, thiết nghĩ cần tạo nên từng cụm chế biến và thưởng thức cà phê để so sánh, giúp người mua tour phát hiện đâu là cà phê thường, phổ thông bán ngoài chợ (mà đến 99,9% tiệm cà phê trong nước đang sử dụng), đâu là cà phê sạch, đặc sản, đúng bản chất hột cà phê. Ngoài ra, nên đặt các trung tâm thưởng thức cà phê ngon, đặc sản tại các thành phố lớn hay trung tâm du lịch có sự tham gia của các nhà chuyên môn thử nếm cà phê…
Một ký lô gam cà phê rang Cầu Đất Đà Lạt trên kệ của siêu thị ở Pháp có giá 450 euro, trong khi một ký lô gam cà phê hột nguyên liệu arabica chưa tới 3 đô la Mỹ và robusta chỉ chừng 1,8 đô la. So sánh như thế nhưng cần hiểu rằng qua một loạt động tác, từ chọn lọc trái kỹ càng khi thu hái đến các khâu chế biến công phu và cẩn thận đến từng chi tiết (như rang bao nhiêu phút, thừa hay thiếu bao nhiêu giây…) đều tạo ra những hương vị khác nhau cho hột cà phê, theo ông Lê Trung Hưng, một nhà thử nếm đẳng cấp quốc tế.
Dùng du lịch để quảng bá cà phê thông qua các tour cà phê được tổ chức có chất lượng không chỉ tạo ra đặc sản cho ngành du lịch mà hột cà phê Việt còn có được những cơ hội lấy lại uy tín và tiếng tăm đã bị cà phê pha tạp và cà phê “chợ” đánh mất.
Trong khi giá cà phê thế giới đang trong chiều hướng đi xuống, nông dân trồng cà phê phải lao đao, đây còn là một hướng đi hữu ích có thể giúp các nhà vườn tăng thu nhập và yên tâm sống lâu bền với vườn cà phê của mình.
NGUYỄN QUANG BÌNH trên TBKTSG 18-1-2018
Sản phẩm cùng loại
- Chủ tịch NutiFood: Cà phê Ông Bầu muốn có 10.000 điểm bán nhưng sẽ không mở rộng tràn lan, bất chấp
- Sơn La - Vùng Trồng Cà Phê Arabica Lớn Thứ 2 Việt Nam
- Xác thực các giống Coffea arabica thông qua DNA fingerprinting và ý nghĩa của nó đối với ngành cà phê
- Ly cà phê đắng và hương vị cuộc sống
- CUỘC SỐNG CŨNG GIỐNG NHƯ MỘT TÁCH CAFE