Hiệu quả từ mô hình ghép chồi cà phê tại Buôn Hồ

08/11/2017

Vườn cà phê của gia đình ông Y Blil Mlô (buôn Joh B, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) sau nhiều năm thu hoạch và do kỹ thuật canh tác không bảo đảm nên năng suất rất thấp. Gia đình ông đang có ý định nhổ bỏ và trồng lại giống mới nhưng vẫn chưa mạnh dạn thực hiện vì sợ không có nguồn thu trong mấy năm liên tiếp.

Điều lo lắng của ông Y Blil Mlô được trút bỏ khi Trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ có kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm ghép chồi cải tạo vườn cà phê của gia đình ông. Sau hơn một năm thực hiện mô hình, gia đình ông Y Blil Mlô vui mừng vì kết quả hơn cả mong đợi: 300 cây cà phê ghép chồi tái canh phát triển khá tốt, thân mập mạp, cành dài, lá xanh tốt, trái nhiều và to.

Hiệu quả ban đầu cho thấy, phương pháp ghép chồi cần thận trọng ở các khâu cưa gốc và kỹ thuật ghép chồi: chỉ chọn những cây có u ở thân để chồi phát triển, không nên cưa thân bằng phẳng hay lõm xuống mà mặt cưa phải có độ chênh hướng về phía mặt trời mọc và xoay lưng về phía mặt trời lặn để hạn chế việc nứt thân. Chi phí đầu tư theo phương pháp ghép cải tạo thấp hơn rất nhiều so với đầu tư cho cây cà phê truyền thống; chủ yếu sử dụng phân đạm; rút ngắn được thời gian chăm sóc; cây sớm cho thu hoạch hơn so với trồng cây mới… đó là những lợi thế của mô hình ghép chồi tái canh so với việc nhổ bỏ vườn cà phê cũ để trồng mới hoàn toàn.

Với kiểu tái canh này, Trạm Khuyến nông khuyến cáo người dân không nên cho cây ra trái hay thu hoạch ở năm đầu tiên vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ và chất lượng của cà phê.

Sau triển vọng của 4 ha thí điểm năm 2012, năm nay Trạm Khuyến nông thị xã Buôn Hồ tiếp tục thực hiện thêm 16 ha thí điểm với kết quả bước đầu dự báo nhiều triển vọng. Hy vọng rằng mô hình ghép chồi tái canh vườn cà phê sẽ mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trong việc cải tạo lại vườn cà phê kém chất lượng, góp phần phát triển cây cà phê bền vững.





11111111111111