Phân biệt thị trường kỳ hạn với các thị trường khác
Phân biệt thị trường kỳ hạn (TTKH hay còn gọi là thị trường giao sau – TTGS) với một số thị trường chứng khoán(TTCK) và thị trường mua bán hàng hóa thông thường.
Cũng vì TTGS có cách tổ chức và trình tự giao dịch tương tự TTCK nhưng có sự khác biệt về các loại hàng hóa nên người ta gọi nó là thị trường phái sinh chứng khoán.
Hiện nay, thị trường tài chính có các loại phái sinh sau: TTGS (Futures), thị trường quyền chọn (Option), thị trường hoán chuyển lãi suất (Swap)…và ngày càng phát sinh nhiều loại phái sinh khác.
Phái sinh tài chính (derivative) được hiểu là một loại công cụ tài chính được giao dịch phụ thuộc vào giá trị của một hay một số hàng hóa khác (gọi là hàng hóa cơ sở). Trong TTCK, các bên mua bán các loại cổ phiếu, trái phiếu… là mua bán những khoản vốn để trở thành chủ sở hữu hay chủ nợ.
Còn trong thị trường phái sinh, các hợp đồng như HĐGS, hợp đồng quyền chọn lại mua bán những sản phẩm cách ly sản phẩm gốc (underlying product) một vài cấp. Các bên trong thị trường phái sinh mang danh nghĩa là giao dịch một số hàng hóa nhất định nhưng thực ra trong nhiều trường hợp, họ không cần phải thực sự sở hữu hoặc trao đổi tiền – hàng đối với các loại hàng hóa đó. Họ chỉ “mượn” giá trị của các hàng hóa cơ sở để mua đi bán lại với mục đích bảo hộ hoặc kiếm lời.
Chẳng hạn trường hợp các nhà đầu tư lập các HĐGS về nông sản mà không chờ mong một sự giao nhận hàng như cam kết trong hợp đồng, vì đa số họ không có nông sản, không cần mua nông sản hay giả như họ có hoặc cần nguồn hàng thực sự nhưng họ không muốn giao hàng qua TTGS, họ chỉ dùng nó nhằm mục đích bảo hộ rủi ro.
Tương tự, đối với những mặt hàng cao cấp hơn trong TTGS như ngoại tệ, lãi suất, chỉ số chứng khoán… thì không phải là các nhà đầu tư mua – bán và tiến hành giao nhận những hàng hóa đó mà họ lập HĐGS về nó để kiếm được tiền từ sự chênh lệch giá mua bán nhằm mục đích bảo hộ hay đầu cơ.
Như vậy, hoạt động chủ yếu trên TTGS là bỏ tiền ra để đầu tư vào giá cả của một loại hàng hóa để kiếm lời. Nhưng không dừng lại ở chỗ là một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, quan hệ mua bán này được nâng lên một tầm cao mới, được tổ chức qui cũ tại các sàn giao dịch (SGD). Ở đó, các quan hệ mua bán được thiết lập không nhằm mục đích chính là trao đổi hàng hóa mà trở thành một nơi luân chuyển tiền tệ, luân chuyển vốn dựa trên cơ sở giá cả các loại hàng hóa. Chính vì lý do đó mà TTGS trở thành một thị trường tài chính.
Phải hiểu được như vậy để tránh tình trạng hiểu lầm: TTGS là một thị trường con, một thị trường nhỏ trong TTCK, hay chỉ có HĐGS về ngoại hối hoặc các công cụ tài chính khác mới là hợp đồng trong lãnh vực tài chính.
Do vậy, chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa:
- Trước tiên, TTGS không phụ thuộc vào TTCK. TTGS thực hiện mua bán thông qua SGD tương tự như TTCK. SGD này thông thường là SGD riêng về các sản phẩm phái sinh nhưng có một số quốc gia ghép SGD chứng khoán và SGD giao sau làm một, tức là cho phép lập các HĐGS trong SGD chứng khoán. Nhưng không phải vì thế mà TTGS phụ thuộc vào TTCK. TTGS được tổ chức y hệt như TTCK: nhà đầu tư tham gia bằng cách đặt lệnh mua bán thông qua sàn giao dịch, tiến hành đấu giá trên SGD,…Nhưng TTGS vẫn có sự khác biệt so với TTCK.
+ Thứ nhất, đa số các quốc gia có TTGS đều có luật lệ riêng, cơ quan quản lý nhà nước riêng về TTGS do cơ quan quyền lực nhà nước thành lập, các cơ quan này tồn tại độc lập và song song với các cơ quan quản lý nhà nước trong lãnh vực Chứng khoán.
+ Thứ hai, các hàng hóa trên TTGS không chỉ giới hạn trong phạm vi chật hẹp là một số loại chứng khoán mà hàng hóa trên TTGS rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả các loại hàng hóa có trên TTCK. Thứ ba, HĐGS chỉ được mua bán trong và chỉ trong TTGS; HĐGS không được mua bán trên TTCK hoặc mua bán trao đổi trên thị trường tự do vì chủ thể thực hiện loại quan hệ hợp đồng đặc biệt này phải chịu sự giám sát chặc chẽ của CQTL thông qua tài khoản bảo chứng1.
- Tiếp theo, TTGS không phải là thị trường mua bán, trao đổi hàng hóa thông thường. Nếu các bên muốn lập một hợp đồng mua bán để trao đổi tiền – hàng thực sự thì các bên có thể lập một hợp đồng dân sự hoặc một hợp đồng thương mại kèm điều khoản giao sau.
TTGS không làm công việc đơn giản như vậy, mà trong TTGS, các bên tiến hành mua bán hàng hóa qua SGD tương tự như trong TTCK nhưng hiếm khi thấy một sự luân chuyển hàng hóa mà chủ yếu là một sự luân chuyển tiền tệ giữa các thành phần tham gia thị trường nhằm chuyển rủi ro về giá các loại hàng hóa đó. Những người bảo hộ (người có hàng và cần hàng) chuyển rủi ro về giá đến cho các thành phần khác trong TTGS là các nhà đầu cơ (kẻ chấp nhận rủi ro để kiếm lời). Chính những người đầu cơ về giá tham gia vào quá trình luân chuyển rủi ro, luân chuyển vốn đã làm cho TTGS trở thành một thị trường tài chính thực sự.
Nói tóm lại, TTGS là một thị trường tài chính phái sinh, được tổ chức như mô hình của TTCK và thực hiện giao dịch về nhiều loại hàng hóa được quy định trong chính thị trường đó. Trong TTGS, khi các bên cam kết thực hiện nghĩa vụ giao hàng và nhận hàng với nhau cũng là lúc các bên thiết lập một hợp đồng có tên gọi là: HĐGS.
Sản phẩm cùng loại
- ICO: Sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2019 - 2020 giảm 1,6% so với niên vụ trước
- Nhận định giá cà phê thế giới từ 07-12/12/2020: Quá nhạy cảm với dịch Covid-19.
- ICO: Chỉ số giá cà phê ICO tháng 11 tăng 3,6%
- Xuất khẩu cà phê tháng 11 lao dốc
- Nhận định giá cà phê thế giới từ 30/11-05/12/2020: Giá tăng đón làn gió mới.